Hệ thống pháo phản lực HIMARS. Ảnh: AP
Nga và phương Tây mắc kẹt trong vòng xoáy căng thẳng
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã cam kết cung cấp 24 tỷ USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Con số này cao gấp 4 lần ngân sách quốc phòng năm 2021 của Ukraine. Các đối tác của Mỹ ở trong và ngoài châu Âu cam kết cung cấp bổ sung 12 tỷ USD hỗ trợ cho Ukraine, theo số liệu từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Tuy nhiên, hàng chục tỷ USD này vẫn chưa thấm tháp là bao so với danh sách vũ khí mà chính phủ Ukraine mong muốn như thông báo của Tổng thống Volodymyr Zelensky vào tháng trước. Sự khác biệt giữa những gì Ukraine muốn và những gì các nước phương Tây chuẩn bị cung cấp đã phản ánh thực tế rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang bị chia rẽ theo 2 hướng. Phương Tây cam kết hỗ trợ Ukraine tự vệ trước cuộc tấn công của Nga nhưng cũng cố gắng ngăn cản xung đột leo thang thành một cuộc chiến giữa các nước lớn.
Căng thẳng ở Ukraine đang leo thang lớn dần mặc dù vẫn trong tầm kiểm soát. Phương Tây cung cấp ngày càng nhiều vũ khí mạnh hơn cho Ukraine và Nga tăng cường các cuộc tiến công để thực hiện mục tiêu của mình, nay đã mở rộng ra ngoài khu vực Donbass. Chừng nào Nga và phương Tây vẫn quyết tâm cạnh tranh ưu thế ở Ukraine và sẵn sàng sử dụng số lượng lớn vũ khí để đạt được mục tiêu của mình thì chừng đó vòng xoáy leo thang căng thẳng sẽ không kết thúc.
Mỹ và các đồng minh chắc chắn tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần nhưng theo các nhà quan sát phương Tây, trong sự tham vấn với Kiev, phương Tây nên bắt đầu mở các kênh đối thoại với Nga. Một lệnh ngừng bắn sẽ là mục tiêu cuối cùng, mặc dù con đường đến đó vẫn còn nhiều điều không chắc chắn.
Việc khởi động những cuộc trao đổi trong khi giao tranh diễn ra ác liệt sẽ có những rủi ro về chính trị và cần những nỗ lực ngoại giao đáng kể, đặc biệt là với Ukraine. Tuy nhiên, đối thoại có thể mở ra không gian để nhượng bộ và đem tới lối thoát cho vòng xoáy xung đột hiện nay. Nếu điều đó không xảy ra, cuộc chiến ở Ukraine có thể dẫn tới một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Nỗ lực để không vượt lằn ranh đỏ
Theo hướng tiếp cận của Mỹ, kịch bản đối đầu trực tiếp với Nga sẽ xảy ra chỉ khi Ukraine được cung cấp những hệ thống hoặc khả năng nhất định có thể vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow. Vì thế, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây thông báo về quyết định cung cấp cho Ukraine hệ thống tên lửa phóng loạt mà Kiev đang rất cần, ông vẫn từ chối cung cấp các loại rocket có tầm bắn xa nhất có thể tấn công vào lãnh thổ Nga.
Lập luận của quyết định này là Nga sẽ leo thang căng thẳng, chẳng hạn bằng cách tấn công vào NATO khi một số hệ thống vũ khí nhất định được cung cấp cho Ukraine hoặc khi chúng được sử dụng để nhắm vào lãnh thổ Nga. Mục tiêu của Washington là cố gắng hành động thận trọng để không vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow trong khi vẫn tiếp tục cung cấp cho Ukraine những gì họ cần để "bảo vệ lãnh thổ khỏi các cuộc tiến công của Nga".
Dù vậy, logic của lập luận này khá mơ hồ. Trọng tâm của điện Kremlin là tiến hành các chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vấn đề không phải là việc cung cấp một số vũ khí nhất định cho Ukraine có thể khiến căng thẳng leo thang mà là nếu phương Tây hỗ trợ Ukraine thành công ngăn chặn cuộc tiến công của Nga, đó là sẽ thất bại mà điện Kremlin không thể chấp nhận. Ngược lại, chiến thắng của Nga cũng là điều không thể chấp nhận với phương Tây.
Nếu Nga tiếp tục thúc đẩy các chiến dịch quân sự ở Ukraine xa hơn, phương Tây có thể sẽ cung cấp cho Kiev nhiều vũ khí hiện đại hơn. Nếu những vũ khí này giúp Ukraine đảo ngược các thành quả của Nga, một số nhà quan sát phương Tây cho rằng Moscow có thể cân nhắc những cuộc tấn công trực tiếp vào NATO. Nói cách khác, đó là kết quả mà các bên đều không chấp nhận. Tuy nhiên, đàm phán có thể xác định những nhượng bộ cần thiết để các bên tìm ra một giải pháp.
Việc Nga và phương Tây quyết tâm làm bất kỳ điều gì để chiếm ưu thế ở Ukraine là nguyên nhân chính dẫn đến leo thang căng thăng. Các nhà lãnh đạo phương Tây cần hiểu rằng nguy cơ leo thang căng thẳng xuất phát từ những mục tiêu khác biệt của phương Tây và Nga. Hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine có lẽ là một hành động nhạy cảm nhưng điều đó không quan trọng. Tác động của những vũ khí đó trên chiến trường, điều gần như không thể biết trước, mới là vấn đề đáng nói.
Trên thực tế, việc đổ ngày càng nhiều vũ khí vào chiến trường Ukraine sẽ không thể giải quyết vấn đề. Các vũ khí của phương Tây rõ ràng đã giúp ích cho quân đội Ukraine trên chiến trường nhưng Nga sẵn sàng sử dụng các nguồn lực để đối phó với bất kỳ vũ khí nào để giành chiến thắng hoặc ít nhất là không thua.
Các nhà quan sát Samuel Charap - nhà khoa học chính trị cấp cao tại Tập đoàn RAND và Jeremy Shapiro, Giám đốc Nghiên cứu của Hội đồng Đối ngoại châu Âu dự đoán, chúng ta sẽ chứng kiến vòng xoáy căng thẳng leo thang khi bên còn lại bắt đầu đạt được một vài tiến triển. Cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột vượt ngoài tầm kiểm soát là bắt đầu đối thoại trước khi quá muộn./.