Chỉ còn 1 ngày nữa, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) sẽ diễn ra tại Glasgow, Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland với sự tham dự của gần 200 quốc gia.
Anh - với cương vị là nước chủ nhà - sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị các bên kéo dài từ 31/10 đến 12/11, bàn bạc về các vấn đề khí hậu và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu quy mô toàn cầu.
Theo dữ liệu của National Geographic, 5 quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga và Nhật Bản. Tổng lượng khí thải 5 quốc gia này phát ra khí quyển chiếm gần 6/10 tổng lượng khí thải toàn cầu.
Thủ tướng Anh Boris Johnson mong muốn các nước đồng thuận cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, Hội nghị chưa diễn ra đã gặp những "sóng gió" đầu tiên. Theo Daily Mail, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không có ý định tham dự sự kiện này.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã sẵn sàng chào đón các nhà lãnh đạo thế giới đến Glasgow để hội đàm về khí hậu. Ảnh: Andrew Parson / No10 Downing Street
Quyết định không tham dự COP26 của ông Tập Cận Bình được đưa ra trong khi các số liệu mới tiết lộ rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu với cả lượng khí thải đã phát ra trong quá khứ. Điều này đi ngược với nỗ lực từ lâu của Bắc Kinh nhằm đổ lỗi cho cuộc cách mạng công nghiệp của phương Tây gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu.
Việc vắng mặt nhà lãnh đạo của quốc gia đứng Top 1 (Trung Quốc) và Top 4 (Nga) về phát thải khí nhà kính lớn nhất hành tinh đã làm dấy lên lo ngại rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ không đạt được tiến bộ đáng kể trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cũng theo dữ liệu của National Geographic, lượng khí thải mà Trung Quốc phát ra bầu khí quyển chiếm 28%; trong khi đó của Nga là 5%.
Bất chấp những cam kết về khí hậu, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi năng lượng hóa thạch với việc sản xuất than và các nhà máy năng lượng đốt than mới. ẢNH: QILAI SHEN, BLOOMBERG / GETTY IMAGES
Đứng trước cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc tỏ rõ lập trường sẽ tự quyết định khi ông Tập Cận Bình hồi tháng 4/2021 cam kết Trung Quốc sẽ đạt được mức sử dụng than cao nhất vào năm 2025, sau đó sẽ giảm dần; đồng thời cam kết nước này đạt mức trung hòa carbon trước năm 2060.
Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã phủ nhận biến đổi khí hậu và vai trò của các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là tuabin gió. Nga đã không phê chuẩn Thỏa thuận Paris về BĐKH cho đến tháng 9 năm 2019 và chỉ thông qua luật khí hậu trong nước đầu tiên vào tháng 4, National Geographic thông tin.
Tính đến nay, tổng khí thải mà 5 nước phát ra khí quyển chiếm 58%; số còn lại đến từ 15 quốc gia phát triển khác (chiếm 21%) và phần còn lại của thế giới (chiếm 21%).
Bài viết sử dụng nguồn: NATGEO, DM