Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ?

Bảo Minh |

Nga phát đi thông điệp cảnh báo cứng rắn khi nước này và Mỹ cùng tập trung lực lượng và tiến gần hơn tới giải pháp quân sự cho cuộc chiến Syria.

Thông điệp cảnh báo

Điện Kremlin ngày 28/10 thông báo Tổng thống Vladimir Putin cho rằng hiện chưa phải là thời điểm nối lại chiến dịch không kích ở thành phố Aleppo của Syria sau khi Bộ Quốc phòng Nga đưa ra đề nghị này.

Người phát ngôn của Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói: "Tổng thống Putin cho rằng hiện chưa phải lúc thích hợp để nối lại chiến dịch ở Aleppo và cần tiếp tục tạm ngưng chiến dịch này cho các hoạt động nhân đạo".

Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin tại Diễn đàn Valdai ở Sochi ngày 27/10

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Bộ Tổng tham mưu của nước này đã đề nghị Tổng thống Vladimir Putin cho phép nối lại chiến dịch không kích nhằm vào các nhóm phiến quân ở thành phố Aleppo của Syria sau 10 ngày gián đoạn. 

Đề nghị được đưa ra trên cơ sở các nhóm phiến quân ở thành phố Aleppo tăng cường hoạt động và tình trạng thương vong của thường dân tiếp tục gia tăng.

Chưa rõ thực hư của thông tin trên như thế nào song có thể phỏng đoán đây là bước đi của Moskva nhằm thử phản ứng của Mỹ và phương Tây về cuộc chiến ở Syria. Nói cách khác, có thể hiểu đây cũng là một lời ngầm cảnh báo, đe dọa đối với cả các nhóm khủng bố, lực lượng nổi dậy và những kẻ bảo trợ cho chúng ở Syria.

Bộ Quốc phòng Nga đề nghị tức là về mặt quân sự Nga hoàn toàn sẵn sàng để tiếp tục chiến dịch không kích ở Syria, thậm chí ác liệt hơn. Tổng thống Putin từ chối song lý do cũng chỉ đơn giản là vì "thời điểm chưa hợp lý". Khi "hợp lý", chắc chắn ông Putin sẽ gật đầu.

Từ ngày 17/10, quân đội Nga tuyên bố ngừng không kích ở Aleppo và các phần tử vũ trang có thể sử dụng thời gian này để rút khỏi khu vực trên.

Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ? - Ảnh 2.

Máy bay cường kích Su-34 của Nga tại Syria

Các nhà phân tích cho rằng tiếp sau việc thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Nga ở Syria thất bại hồi tháng 9, thời gian gần đây hai nước này thường xuyên "xuất chiêu" trong cuộc khủng hoảng Syria, một cuộc đọ sức mới đã sẵn sàng.

Từ khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào Syria ngày 30/9/2015, Mỹ cũng gia tăng nỗ lực can thiệp trực tiếp vào cuộc khủng hoảng này. Cuộc khủng hoảng Syria đang từng bước biến từ cuộc chiến ủy nhiệm do các nước lớn thao túng sang cuộc chiến đấu giáp lá cà do các nước lớn đứng đằng sau.

Chỉ 3 ngày sau thỏa thuận ngừng bắn ngày 12/9, 2 chiếc máy bay chiến đấu F-16 và 2 chiếc máy bay tấn công A-10 của quân đội Mỹ đã tấn công vào căn cứ của quân đội chính phủ Syria, khiến ít nhất 62 người thiệt mạng và 100 người bị thương.

Ngày 19/9, đoàn xe của Liên hợp quốc bị tấn công, các bên cáo buộc lẫn nhau, tiếp đó là các cuộc tấn công như vũ bão vào đối phương, thỏa thuận ngừng bắn mà các bên mất nhiều tháng đàm phán chỉ kéo dài được trong 1 tuần.

Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Nga Konstantin Sivkov nói thẳng rằng ngừng bắn với kết cục chiến sự leo thang chẳng qua là sự đội lốt của việc bố trí lại binh lực.

Ông Sivkov nói: "Việc sinh ra thỏa thuận ngừng bắn là vì các phần tử vũ trang đã mất đi sức chiến đấu ở một mức độ tương đối dưới sự tấn công của quân đội chính phủ Syria và không quân Nga. 

Họ không thể phá thế phong tỏa đối với khu vực Aleppo bị cô lập, bị tổn thất nặng trong các cuộc tấn công. Quân đội Syria nói chung cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, rất cần khôi phục sức chiến đấu. Điều đó có nghĩa là cả hai bên cần phải nghỉ ngơi. Viện trợ nhân đạo chỉ là một cái cớ".

Công khai đối đầu

Theo tờ Độc lập của Nga, nước này hiện đang triển khai hơn 4.000 quân, gần 50 máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng tại căn cứ ở Syria, trong khi Mỹ sẽ tăng lên đến gần 5.000 quân ở Iraq, NATO đã tập kết hơn 100 máy bay ở Iraq.

Hai bên ở trong tình thế căng thẳng. Các sự kiện như đoàn xe Liên hợp quốc bị tấn công, Mỹ ném bom nhầm căn cứ của quân đội Syria đã trở thành ngòi nổ để Mỹ và Nga trở mặt với nhau.

Với 7 ngày ngừng bắn, quân đội chính phủ và phe đối lập Syria đã có đủ thời gian tái triển khai lực lượng. Đáng chú ý, Mỹ và Nga đã bắt đầu công khai trở mặt với nhau, cuộc đọ sức xoay quanh cuộc khủng hoảng Syria cũng chuyển từ hậu trường ra phía trước.

Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ? - Ảnh 3.

Mỹ thông báo máy bay chiến đấu của nước này và Nga suýt va chạm tại Syria hôm 17/10

Gần đây, tình hình chiến sự ở Aleppo bước vào giai đoạn then chốt. Quân đội Syria đã lấy lại nhiều mảnh đất bị mất dưới sự trợ của hỏa lực không quân Nga, lực lượng vũ trang chống chính phủ đã ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Nhà phân tích chính trị Syria Ahmed Maher Ihsan nói rằng nếu Mỹ không can thiệp bằng biện pháp quân sự, có thể chỉ trong vài tuần quân đội chính phủ có thể chiếm lại Aleppo. Điều này buộc Mỹ phải ra tay.

Theo các phương tiện truyền thông Mỹ, Lầu Năm Góc đã có "Kế hoạch B" ở Syria. Trong một đoạn băng ghi âm lại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng John Kerry và phe đối lập ở Syria hồi cuối tháng 9 được tiết lộ thời gian gần đây, ông Kerry nói rằng ủng hộ việc trực tiếp sử dụng vũ lực nhằm vào quân đội chính phủ Syria.

Ngoài ra, hồi đầu tháng 10, Nhà Trắng đã tổ chức cuộc hội ý với đại diện Bộ Ngoại giao, Cơ quan tình báo trung ương và Hội đồng tham mưu trưởng, thảo luận phương án không kích vào trận địa của quân đội chính phủ Syria.

Có thông tin cho biết phương án trên bao gồm phóng tên lửa hành trình tấn công các sân bay của Syria, từ đó làm tê liệt không quân Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng từng đề cập đến "Kế hoạch B" của Mỹ: "Chúng tôi ngày càng có nhiều lý do để tin rằng ngay từ đầu Mỹ đã có một 'Kế hoạch B', hoặc kế hoạch giai đoạn thứ hai".

Mỹ sẽ cung cấp nhiều vũ khí hơn cho lực lượng vũ trang chống chính phủ, trong đó có vũ khí phòng không và chống tăng để làm suy yếu ưu thế của quân đội Nga và quân đội chính phủ Syria.

Cũng có phân tích cho rằng "Kế hoạch B" của Mỹ cũng có thể là sự kết hợp giữa quân đội chính phủ Israel và phe Shiite tiến hành "trận đánh chớp nhoáng" nhằm vào phía Tây Nam Syria. Mỹ tấn công ở miền Nam Syria, ép Chính phủ Syria điều chuyển quân từ tuyến trước về phòng thủ, làm giảm áp lực của Aleppo.

Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ? - Ảnh 4.

Máy bay Su-34 của Nga không kích các mục tiêu khủng bố tại Syria

Phản ứng trước khả năng Mỹ có thể phát động không kích nhằm vào quân đội chính phủ Syria cũng cung cấp vũ khí phòng không và chống tăng cho phe đối lập, Bộ Quốc phòng Nga cảnh cáo Mỹ: "Mọi nỗ lực sử dụng vũ lực chống lại quân đội Syria sẽ là một trò chơi nguy hiểm, tin rằng các nhà lãnh đạo của Chính phủ Mỹ hiểu được điều này".

Bộ Quốc phòng Nga còn cho biết: Hiện nay quân đội chính phủ Syria đã được trang bị hệ thống phòng không do Nga sản xuất gồm tên lửa đất đối không S-200, hệ thống tên lửa Buk.

Trong 1 năm qua, khả năng phòng thủ của quân đội chính phủ Syria đã được khôi phục. Căn cứ không quân Nga nằm ở Hmeymim và Tartus Syria đều nằm dưới sự bảo vệ của hệ thống phòng không S-300, S-400.

Nga tinh khôn hay đang ngầm e sợ Mỹ? - Ảnh 5.

Máy bay F/A-18E Super Hornet cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman của Mỹ trên Địa Trung Hải

Bộ Quốc phòng Nga thậm chí nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ tấn công nào bằng tên lửa và trên không vào khu vực quân đội chính phủ Syria kiểm soát đều tạo thành mối đe dọa đáng kể cho quân đội Nga.

Nga cũng cung cấp trang thiết bị cho lực lượng bộ binh của quân đội chính phủ Syria, mở rộng sự hiện diện quân sự hơn nữa tại quốc gia này.

Gần đây theo yêu cầu của Chính phủ Syria, Nga đã cử tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của nước này mang theo phi đội máy bay và vũ khí tới Địa Trung Hải thực hiện nhiệm vụ. Hạm đội Biển Bắc, Hạm đội Biển Đen của Nga cũng gửi tàu chiến tới tham gia nhóm tác chiến tàu sân bay.

Giới phân tích nhận định dù không nhiều khả năng Mỹ và Nga đối đầu quân sự trực tiếp trên quy mô lớn.

Nhưng sẽ là khó lường nếu một lực lượng đối lập vũ trang nào đó ở Syria tìm cách trục lợi trong hỗn loạn, mượn vũ khí phòng không kiểu Mỹ bất kể từ kênh nào để bắn hạ máy bay Nga, hoặc quân đội Mỹ lại ném bom vào quân đội chính phủ Syria, thậm chí ném bom nhầm vào lực lượng vũ trang Nga...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại