Vài tuần sau bình luận của ông Lavrov, EU và Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt lên một loạt các quan chức cấp cao của Nga. Nhắc lại chính sách không khoan nhượng của Nga liên quan đến vấn đề trừng phạt, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, các biện pháp trừng phạt trên là “sự can thiệp vào công việc nội bộ của Nga" và đây là điều "hoàn toàn không thể chấp nhận được, gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã xấu này". Dẫn ra "nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ giữa các quốc gia", ông Peskov cảnh báo Nga sẽ lựa chọn "cách phản hồi phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của chúng tôi".
Đầu tuần trước, EU đã trừng phạt thêm 2 quan chức Nga. Trong một cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Nga Lavrov cho biết, mối quan hệ Nga và EU đã chết.
"Nga không còn mối quan hệ nào với Liên minh châu Âu trên phương diện như một tổ chức. Toàn bộ cấu trúc của mối quan hệ này đã bị phá hủy bởi các quyết định đơn phương của Brussels", Ngoại trưởng Nga đánh giá.
Đại diện Thường trực của Nga tại EU Vladimir Chizhov cũng đã đưa ra một bản đánh giá ảm đạm về mối quan hệ Nga - EU: "Tình hình hiện tại (trong quan hệ giữa Nga và EU) là vô cùng đáng tiếc. Đây là một điều bất thường và là kết quả của những quan điểm chính trị có ý thức và đôi khi là vô thức mà giới lãnh đạo của các thể chế trong EU theo đuổi".
Tuy nhiên, mặc dù đưa ra những tuyên bố gay gắt nhưng Nga vẫn chưa thực hiện các biện pháp đáp trả trừng phạt cứng rắn. Nhà khoa học chính trị Nga Fyodor Lukyanov đánh giá mối quan hệ Nga - EU vô cùng đáng thất vọng trong 7 năm qua sau cuộc khủng hoảng Ukraine năm 2014 và rằng, mối quan hệ này hầu như không còn gì đáng kể để cắt đứt nữa.
Dù vậy, vẫn còn một điểm đáng chú ý: Đó là Nga có thể rời Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE), một hành động đáp trả mà trước đó từng được các nghị sĩ cấp cao Nga cân nhắc như một khả năng. Tuy nhiên, với chính quyền Tổng thống Putin hiện nay, từng rời PACE sau cuộc khủng hoảng năm 2014 và tái gia nhập năm 2019, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy điện Kremlin đang cân nhắc động thái trên.
Nga tính kế “đường dài”
Bất chấp mối quan hệ thù địch gia tăng với EU, Nga không có ý định cắt đứt quan hệ với khối này. Thay vào đó, Moscow sẽ tiếp tục chiến lược nhiều năm qua, đó là thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên của EU. Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án đường ống dẫn khí giữa tập đoàn năng lượng Nga Gazprom và một số công ty Tây Âu đang trở thành minh chứng rõ nhất cho hướng tiếp cận này. Ngoài những tính toán về kinh tế, khía cạnh ngoại giao rõ ràng cũng được tính tới trong chính sách trên.
Chỉ trích những quyết định gần đây của Brussels, chuyên gia Chizhou trực tiếp hướng đến người dân các nước thành viên EU khi nhận định rằng: "Tôi có cơ sở để nghĩ rằng người dân trong Liên minh châu Âu tin là việc duy trì quan hệ với Nga là điều cần thiết”.
Tiếng nói của Nga trong ngoại giao công chúng song phương chưa bao giờ rõ ràng đến vậy, nhất là qua vai trò của nước này trong bối cảnh cuộc chiến vaccine đang diễn ra ở châu Âu. Xem nhẹ chính sách "tiêm vaccine theo khối" khá rắc rối của EU, một số quốc gia thành viên như Hungary, Italy và Slovakia đã ký kết hoặc chủ động cân nhắc đến các hợp đồng song phương mua vaccine Sputnik V của Nga.
Cao ủy Thị trường Nội khối của EU Thierry Breton tuyên bố rằng, châu Âu "hoàn toàn không cần vaccine Sputnik V" nhưng Đức đã phản đối nhận định này. Đầu tuần trước, một quan chức Đức hối thúc Ủy ban châu Âu tiến hành một quy trình chung để các nước thành viên mua vaccine của Nga qua hợp đồng của EU.
Moscow đã tương đối thành công trong việc bù đắp các mối quan hệ gần như không còn tồn tại với EU qua các mối quan hệ song phương thực chất với một số nước thành viên trong khối. Với việc chính sách đối ngoại của EU không thể đưa ra một mặt trận nhất quán về địa chính trị - kinh tế - văn hóa nhằm chống lại Nga, rõ ràng điện Kremlin sẽ tiếp tục theo đuổi kiểu chiến lược trên trong những năm tới.
Trên thực tế, thậm chí cả khi Nga đã tìm ra cách để cứu vãn phần nào quan hệ với châu Âu thì nước này vẫn quyết tâm theo đuổi kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác với Trung Quốc. Ngoại trưởng Lavrov đã trực tiếp liên hệ 2 vấn đề này trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
"Nếu châu Âu cắt đứt mối quan hệ này, phá hủy tất cả cơ chế được kiến tạo trong nhiều năm qua và chúng tôi chỉ còn mối quan hệ với một số nước châu Âu muốn duy trì lợi ích quốc gia của họ, thì có lẽ, theo một cách khách quan, điều này sẽ dẫn tới việc quan hệ giữa chúng tôi với Trung Quốc sẽ phát triển nhanh hơn so những gì còn lại trong quan hệ với châu Âu", người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố.
Trung Quốc cũng bày tỏ sự quan tâm tới cái gọi là "quan hệ đối tác chiến lược" với Nga sau khi trải qua Hội nghị Anchorage đầy thù địch với Mỹ và mới đây là lệnh trừng phạt của hàng loạt nước EU về vấn đề Tân Cương.
"Mỹ và các đồng minh "Ngũ nhãn" (Ngũ nhãn – liên minh tình báo gồm 5 nước: Mỹ, Australia, Canada, Anh, New Zealand – ND) hợp tác với nhau trong tuần này như thể họ đang bắt đầu một cuộc chiến kiểu băng nhóm. Nhưng hãy nhìn vào bản đồ và các bạn sẽ thấy Trung Quốc có bạn bè ở mọi nơi trên thế giới. Tại sao chúng tôi phải lo lắng về điều đó?", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.
Cùng với kế hoạch hợp tác với từng nước thành viên EU, các động thái của Nga với Trung Quốc là một phần trong nỗ lực rộng khắp của nước này nhằm làm giảm nhẹ và đối phó với sức ép kinh tế từ phương Tây. Ông Lavrov trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với truyền thông Trung Quốc đã nhận định, Moscow quan tâm đến việc hình thành "một liên minh" các quốc gia thống nhất nhằm chống lại "các biện pháp trừng phạt đơn phương", chẳng hạn như những lệnh trừng phạt gần đây mà phương Tây áp lên Nga và Trung Quốc.