Theo tờ "The Wall Street Journal" ngày 6/7, động thái trên nằm trong bối cảnh Moskva tìm cách đa dạng hóa các đối tác thương mại và khôi phục ảnh hưởng ở Thái Bình Dương.
Do nền kinh tế đang chìm sâu trong suy thoái do giá năng lượng thấp và những biện pháp trừng phạt của phương Tây, Moskva buộc phải tìm kiếm những cơ hội mới ở khu vực đang chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Mười thành viên đang tăng trưởng nhanh của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tổng GDP 2,6 nghìn tỷ USD đang là thị trường chủ chốt cho những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga như dầu khí, công nghệ sạch và vũ khí.
Tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN trên đất Nga, tạo tiền đề cho những thỏa thuận kinh doanh và thương mại mới.
Matthew Sussex, chuyên gia về Nga tại Đại học Quốc gia Australia, nói: "Chúng ta đang bắt đầu thấy không chỉ có các thỏa thuận thương mại mà còn cả sự hiện diện và can dự của Nga về quân sự và an ninh. Rõ ràng là người Nga đang can dự một cách rất nghiêm túc vào khu vực này".
Cuối những năm 1980, Liên Xô đạt đến đỉnh cao về sức mạnh hải quân tại Thái Bình Dương với việc triển khai 2 tàu sân bay và sở hữu số tàu ngầm nhiều hơn của Mỹ và Nhật Bản cộng lại. Sau khi Liên Xô tan rã vào những năm 1990, nước Nga rút dần sự hiện diện quân sự trên toàn thế giới.
Giờ đây, Moskva đang khôi phục các mối quan hệ quân sự ở Đông Nam Á và rộng hơn là toàn khu vực.
Ian Storey, thành viên kỳ cựu của Viện Iseas Yusof Ishak ở Singapore cho biết khủng hoảng kinh tế khiến Nga đang "đẩy nhanh chiến lược này".
Theo đó, Nga đã tham gia cả hai cuộc tập trận quân sự "Komodo" do Indonesia dẫn đầu trong năm 2014 và 2016. Cuối năm 2015, Nga đã triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp mới tới khu vực này.
Phát biểu trước một ủy ban của Thượng viện Mỹ gần đây, Chuẩn đô đốc Harry B. Harris Jr., Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nhận xét việc triển khai tàu ngầm phát đi tín hiệu cho thấy "Moskva đang rất coi trọng khu vực này".
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan tới vấn đề Biển Đông và những quan ngại về nạn đánh bắt cá trái phép, nạn cướp biển, chi tiêu quân sự của Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines đã lên tới những mức kỷ lục trong năm 2015 (theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm).
Nga đã đáp ứng phần lớn nhu cầu mua sắm vũ khí của các nước. Trong 5 năm (2010-2015), doanh thu bán vũ khí của Nga cho khu vực Đông Nam Á đã tăng gấp hơn hai lần lên tới gần 5 tỷ USD so với cùng kỳ trước đó.
Trong thời gian này, khu vực này chiếm 15% tổng lượng vũ khí xuất khẩu của Nga (trước đây chỉ là 6%).
Veronika Novoseltseva, luật sư của Đại sứ quán Nga ở Jakarta (Indonesia), cho biết quan hệ giữa Nga và khu vực "đang tiến triển và ngày càng đạt được nhiều kết quả cụ thể ở nhiều lĩnh vực khác nhau".
Một làn sóng mới các doanh nghiệp Nga hoạt động tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đang chuyển từ trọng tâm trước đây là sản xuất nông sản và nguyên liệu thô sang hàng công nghệ cao như thiết bị hoa tiêu hàng không và vệ tinh.
Bà Novoseltseva nói: "Đừng quên 2/3 diện tích nước Nga là thuộc châu Á. Nga không thể đứng ngoài sự phát triển của khu vực này".