Thành trì cuối cùng
Sau khi hoàn thành chiến dịch tiếp quản khu vực giáp biên giới Israel, liên minh ủng hộ Tổng thống Assad giờ đây đã đặt mục tiêu "giải phóng" một khu vực chiến lược quan trọng khác ở Syria: Idlib.
"Hiện tại Idlib là mục tiêu của chúng tôi", nhà lãnh đạo Bashar al-Assad nói sau khi giải phóng các vùng giáp biên giới Jordan và Israel ở các tỉnh Daraa và Quneitra ở miền nam Syria.
"Quân đội sẽ quyết định các vùng lãnh thổ sắp chuẩn bị giành lại và Idlib là một trong số đó", ông nói thêm, thể hiện quyết tâm sẽ giải phóng phần còn lại của Syria.
Theo tờ Fars News, có thông tin cho rằng Nga và Syria (có thể là cả lực lượng Iran) sẽ tiến công vào Idlib, thành trì cuối cùng do phe đối lập kiểm soát ở Syria.
Đây được cho là chiến dịch rất khốc liệt để chính quyền Assad giành lại lãnh thổ và chuẩn bị kết thúc cuộc nội chiến nhiều năm. Tuy nhiên, đây cũng được coi là một bước đi mà Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ phải hết sức khéo léo nếu không muốn làm mích lòng Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Washington Examiner, Nga được cho là đã cam kết với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan rằng sẽ không hỗ trợ hoặc hạn chế bất kỳ cuộc tấn công nào vào Idlib.
Ankara muốn cam kết đó bởi vì không muốn sẽ mất chỗ đứng cuối cùng ở Syria sau khi đã chủ yếu nhượng lại toàn bộ quyền quyết định về tương lai quốc gia Trung Đông cho phía Nga.
Theo các nguồn tin, Tổng thống Erdogan đang lo lắng rằng cuộc tấn công sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ hiện tại và đang lên kế hoạch để ngăn chặn bất kỳ động thái nào đến từ quân đội Syria.
Tuy nhiên, các nhà quan sát tin rằng cuộc tấn công này sẽ diễn ra không sớm thì muộn. Nga cuối cùng cũng đồng ý với chính quyền Assad trong chiến dịch lấy lại Idlib, thành trì cuối cùng của quân phiến loạn ở Syria.
Moscow buộc phải làm vậy để có thể đảm bảo quyền lực cho Tổng thống Assad, cùng với đó là hướng tới mục tiêu cuối cùng: Thay thế Mỹ trở thành trung gian quyền lực lớn nhất ở Trung Đông.
Tổng thống Erdogan.
Tổng thống Putin muốn các nhà lãnh đạo Trung Đông như Saudi Arabia và Ai Cập coi mình là nhà lãnh đạo duy nhất mà họ cần phải nhờ cậy để đạt được lợi ích. Đổi lại, ông muốn họ mua thiết bị quân sự của Nga.
Cân bằng lợi ích?
Mặc dù lực lượng Mỹ hiện diện ở miền Đông Syria vẫn là mối đe dọa đối với đòn bẩy của Tổng thống Putin với tương lai chính trị ở Syria, Nga tin rằng nước này có thể chấm dứt sự hiện diện đó trong tương lai gần, dù bằng cách này hay cách khác .
Về cơ bản, Tổng thống Putin cũng cố gắng tìm cách nào đó để không mất đi đối tác quan trọng Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Erdogan đã trở thành một đồng minh chiến lược có giá trị ở Trung Đông của Moscow, đồng thời là con bài để làm suy yếu sự đoàn kết của NATO.
Cây bút Tom Rogan nhận định, Tổng thống Putin sẽ ngầm ủng hộ cuộc tấn công của Syria vào Idlib nhưng sẽ hạn chế thể hiện lập trường công khai. Nga có thể yểm trợ bằng không quân trong chiến dịch nhằm vào Idlib nhưng với lý do là để bảo vệ lực lượng Nga ở khu vực này.
Trên mặt đất, Nga sẽ triển khai một số lực lượng đặc biệt GRU hay tổ chức bán quân sự như "Wagner", cũng như cung cấp vị trí mục tiêu của kẻ thù cho quân đội Syria.
Điều này sẽ cho phép các lực lượng mặt đất trục có thể giành ưu thế trong cuộc chiến nhưng sẽ không làm mất lòng Tổng thống Erdogan.
Nhưng dù Nga có triển khai chiến dịch thế nào, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ phải ngậm ngùi chấp nhận khi giờ đây mọi quyền quyết định ở Syria đều thuộc về Moscow.