Nga: Sẵn sàng đàm phán với phương Tây để trao đổi tài sản bị phong tỏa

Bích Liên |

Vụ trưởng Vụ Hợp tác kinh tế Bộ Ngoại giao Nga, ông Dmitry Birichevsky cho biết Moskva sẵn sàng đối thoại nếu phương Tây muốn đối thoại với Nga về trao đổi tài sản bị phong tỏa giữa hai bên.

Nga: Sẵn sàng đàm phán với phương Tây để trao đổi tài sản bị phong tỏa- Ảnh 1.

Dmitry Birichevsky, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Kinh tế, Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Twitter

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Sputiknews, ông Birichevsky cho biết: "Dường như kế hoạch trao đổi (tài sản) lẫn nhau do Nga đề xuất có thể thu hút sự quan tâm của các đối tác phương Tây... Nếu bên kia sẵn sàng đối thoại, chúng tôi sẵn sàng đối thoại...".

Ông Birichevsky cho biết thêm những tín hiệu đến từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) khó có thể được coi là lạc quan, đồng thời cảnh báo Moskva sẽ có hành động tương xứng nếu phương Tây tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã ra lệnh cấm các giao dịch với Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Nga. Bên cạnh đó, lệnh cấm này cũng phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Chính phủ Nga ở các nước phương Tây. Ngân hàng trung ương Nga từng xác nhận rằng nước này có khoảng 300 tỷ USD tài sản đang bị đóng băng ở phương Tây. Tổng dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga đạt 612 tỷ USD vào thời điểm đó.

Các quan chức Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phương Tây tịch thu tài sản nhà nước của Moskva là trái với nguyên tắc của thị trường tự do. Một số quan chức Nga cho rằng nếu tài sản của Nga bị tịch thu thì tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt ở Nga có thể phải đối mặt với số phận tương tự. Hầu hết các tài sản này cũng bị Moskva phong tỏa.

Báo Financial Times ngày 28/12 dẫn các nguồn tin cho biết Đức, Pháp, Italy và Liên minh châu Âu (EU) tỏ ra dè dặt trước ý tưởng của Mỹ tịch thu tài sản của Nga và cho rằng trước tiên cần cân nhắc tính hợp pháp của biện pháp này.

EU, Anh và Pháp đã nhấn mạnh rằng số tiền nhận được thông qua việc tịch thu sẽ không dễ dàng tiếp cận được và cũng sẽ không đủ để trang trải cho nhu cầu tái thiết của Ukraine. Ngoài ra, các nước lưu ý rằng việc tịch thu tài sản của Nga không nên gây phương hại đến việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Kiev vào năm 2024.

Mỹ đã đề xuất các nhóm làm việc từ Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tìm cách thu giữ tài sản bị đóng băng trị giá 300 tỷ USD của Nga. Với sự hỗ trợ của Anh, Nhật Bản và Canada, Mỹ đề nghị đưa nội dung tịch thu tài sản của Nga vào chương trình nghị sĩ cuộc họp G7 có thể diễn ra vào ngày 24/2/2024.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại