Giới chức Nga và Mỹ đã gặp nhau bên lề cuộc họp của 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở thủ đô Bắc Kinh nhằm thảo luận về số phận của Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) – nguồn cơn gây ra căng thẳng leo thang giữa Moscow và Washington.
"Không may là không có tiến bộ nào đạt được”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết sau các cuộc đối thoại với ông Andrea Thompson – Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc tế và Kiểm soát Vũ khí của Mỹ.
"Chúng tôi đã không đạt được bất kỳ tiến bộ nào. Chúng tôi thông báo về điều này không chỉ với sự đau buồn mà còn với nỗi quan ngại sâu sắc về số phận của hiệp ước, về số phận của an ninh Châu Âu và an ninh quốc tế”, ông Ryabkov phát biểu.
Trong cuộc họp với các nước thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở thủ đô Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov cho biết, các cuộc đối thoại song phương đã bị bế tắc về một số chủ đề cụ thể do một bên “cố tình” từ chối đi theo con đường đối thoại. Phát biểu này rõ ràng ám chỉ đến Mỹ.
"Nga không thể bị đổ lỗi về bất kỳ thứ gì. Chúng tôi luôn sẵn sàng đối thoại về mọi chủ đề, bao gồm những vấn đề gai góc nhất hiện nay, và chúng tôi luôn sẵn sàng minh bạch. Chúng tôi mong chờ các đối tác của chúng tôi có cách tiếp cận tương tự”, ông Ryabkov bày tỏ.
Mỹ mới đây cảnh báo, nước này sẽ chính thức bắt đầu tiến trình rút khỏi hiệp ước INF – một tiến trình kéo dài 6 tháng, nếu như Nga không phá hủy hoàn toàn các hệ thống tên lửa 9M729.
Tên lửa 9M729 là phiên bản mới hơn của tên lửa 9M728 – một loại tên lửa được trang bị cho hệ thống Iskander-M. 9M728 được phát triển bởi Cục Thiết kế Novator ở Yekaterinburg. Tên lửa 9M729 mang đầu đạn có sức công phá lớn hơn và một hệ thống điều khiển giúp nó đạt độ chính xác cao hơn. Hầu hết các bộ phận trong tên lửa 9M728 đều giống hệt phiên bản cũ 9M729.
Tên lửa 9M729 gây lo ngại rất lớn cho Mỹ và Mỹ tin rằng, Nga đã tiến hành thử nghiệm tên lửa loại này ở các tầm bắn vi phạm Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Tên lửa 9M729 có tầm bắn tối thiểu là 50km – giống với phiên bản trước đó 9М728 của nó.
Tầm bắn tối đa của tên lửa 9M729 là 480km, ngắn hơn 10km so với tầm bắn của tên lửa 9М728 – loại tên lửa vi phạm hiệp ước INF. Trong khi Mỹ tin rằng, tên lửa 9M729 của Nga có tầm bắn vượt phạm vi 500km được quy định trong hiệp ước INF thì Nga bác bỏ điều này. Mỹ muốn Nga phải hủy bỏ toàn bộ tên lửa 9M728 nhưng Nga kiên quyết không chấp nhận.
Bộ Quốc phòng Nga mới đây đã lần đầu tiên cho “trình làng” tên lửa 9M729 để các tùy viên quân sự nước ngoài có thể trực tiếp nhìn thấy loại vũ khí mới này của Nga trong một nỗ lực nhằm giải tỏa nỗi quan ngại của phương Tây và mở đường cho các cuộc đối thoại nhằm giữ lại hiệp ước INF.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là các đại diện của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và NATO đều không đến tham dự sự kiện giới thiệu tên lửa của Nga.
Diễn biến này khiến người ta lo ngại Nga và Mỹ sẽ không thể tháo gỡ được cuộc đối đầu xung quanh tên lửa 9M729 và hiệp ước INF, từ đó hiệp ước INF sẽ bị xé bỏ và châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang đáng sợ. Các đồng minh châu Âu của Mỹ cực kỳ quan ngại viễn cảnh này.
INF được ký kết là để giải quyết một cuộc khủng hoảng tên lửa hạt nhân thời Xô-viết nhằm vào các thủ đô phương Tây.
Hiệp ước INF được ông Mikhail Gorbachev và ông Ronald Reagan ký năm 1987 cấm Nga và Mỹ phát triển, triển khai và thử nghiệm các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo được phóng đi từ mặt đất với tầm bắn từ khoảng 300 đến 3.400 dặm (tương đương từ 482km đến 5470km).
Hiệp ước này được coi là một thành tựu lớn đạt được trong nỗ lực nhằm “tháo ngòi” căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh và giúp hóa giải nỗi lo sợ về vũ khí hạt nhân ở châu Âu.