Ngày 28-2, các quan chức ở khu vực ly khai Transnistria kêu gọi Nga bảo vệ khu vực này trước áp lực từ Moldova.
Nghị quyết được thông qua tại một hội nghị của các quan chức vùng ly khai, cho biết họ sẽ kêu gọi cả Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) và Duma quốc gia (tức Hạ viện) Nga "thực hiện các biện pháp bảo vệ Transnistria trước áp lực ngày càng tăng từ Moldova".
Cũng theo nghị quyết này, "có áp lực kinh tế và xã hội với Transnistria, điều này mâu thuẫn trực tiếp với nguyên tắc và cách tiếp cận của châu Âu trong việc bảo vệ nhân quyền và tự do thương mại".
Theo hãng thông tấn RIA và TASS, Bộ Ngoại giao Nga cho biết yêu cầu từ vùng ly khai của Moldova sẽ được xem xét cẩn thận.
Đại diện của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Bảo vệ lợi ích của người dân Transnistrian, đồng bào của chúng tôi là một trong những ưu tiên của chúng tôi. Các cơ quan liên quan của Nga luôn xem xét cẩn thận mọi yêu cầu".
Phản ứng trước những thông tin trên, chính phủ Moldova bác bỏ "tuyên bố tuyên truyền" từ phe ly khai thân Nga. Đồng thời, Moldova nói thêm rằng khu vực này "được hưởng lợi từ các chính sách hòa bình, an ninh và hội nhập kinh tế với Liên minh châu Âu".
Trong khi đó, Mỹ cho biết Washington "ủng hộ mạnh mẽ chủ quyền của chính phủ Moldova" và kêu gọi cả hai bên hợp tác, giải quyết các mối quan ngại chung.
Bộ Ngoại giao Ukraine kêu gọi giải quyết hòa bình các "vấn đề khó khăn" giữa Moldova và vùng ly khai Transnistria "mà không có bất kỳ sự can thiệp mang tính phá hoại nào từ bên ngoài".
Cùng ngày 28-2, Tổng thống Moldova Maia Sandu đến Albania dự hội nghị thượng đỉnh các nước Đông Nam Âu, cho biết Chisinau vẫn cam kết giải quyết hòa bình vấn đề Transnistria.
Vấn đề Transnistria có thể trở thành điểm nóng mới bên cạnh cuộc xung đột giữa Moscow với nước láng giềng Ukraine.
Quan hệ giữa Nga và Moldova trở nên căng thẳng khi chính quyền Chisinau theo đuổi đường lối thân phương Tây.