Việc các cuộc tập trận quân sự của Mỹ mô phỏng nhiều kịch bản khủng hoảng khác nhau là điều không có gì kỳ lạ. Tuy nhiên, khác với tất cả các kịch bản hợp lý, kịch bản của cuộc tập trận lần này rõ ràng là một kịch bản không có tính thực tế.
Cuộc tập trận bí mật của Mỹ được tiến hành ở Căn cứ Không quân Offutt gần Omaha hôm 20/2 và nó tập trung vào một cuộc chiến tranh hạt nhân tưởng tượng giữa Nga và Mỹ ở Châu Âu.
Theo kịch bản cuộc tập trận, Moscow quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân hiệu suất thấp để tấn công vào một địa điểm "nằm trên lãnh thổ của NATO" ở Châu Âu, một quan chức cấp cao giấu tên của Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin này với báo giới.
Thực tế về việc Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và Moscow sẽ không bao giờ mong muốn xảy ra một cuộc xung đột toàn diện ở ngay cửa ngõ của mình liên quan đến vũ khí hạt nhân rõ ràng là điều quân đội Mỹ không bao giờ phải lo lắng.
Thế nhưng, cuộc tập trận của Mỹ tiếp tục lấy cái cớ là mối đe dọa từ Nga ra để làm mục tiêu, vạch ra kịch bản "đáp trả bằng vũ khí hạt nhân".
Giới chức Mỹ không tiết lộ về việc họ đã sử dụng loại vũ khí hạt nhân nào và địa điểm cụ thể nào ở Nga mà quân đội Mỹ quyết định tấn công hạt nhân vào, chỉ miêu tả đòn đáp trả hạt nhân của họ là "hạn chế".
Cuộc tập trận nói trên của Mỹ thực sự không phải là cuộc tập trận kỳ lạ nhất mà Lầu Năm Góc từng tiến hành. Mỹ được cho là từng tiến hành một cuộc tập trận tấn công hạt nhân Belarus để trả đũa một cuộc tấn công của Nga.
Kịch bản này gây kinh ngạc bởi Belarus là một quốc gia hoàn toàn độc lập với Nga dù nước này là đồng minh thân thiết của Moscow.
Cuộc tập trận gây khó hiểu của Mỹ được thực hiện trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Trump đang đệ trình lên Quốc hội bản yêu cầu ngân sách cho năm tài chính 2021, trong đó họ yêu cầu đến 44 tỉ USD dành riêng cho việc duy trì kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng như mua thêm các vũ khí hạt nhân mới.
Động thái trên của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Nga đặc biệt lo ngại khi mà chính quyền của Tổng thống Putin trong thời gian vừa qua vẫn còn đang bất an sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) và bắt đầu tiến hành các vụ thử tên lửa tầm trung cũng như thông báo về một loạt kế hoạch triển khai tên lửa ở Châu Âu, Châu Á.
Hành động của Mỹ có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, tốn kém và chứa đựng nhiều nguy cơ.
Nga và Mỹ vốn đang rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Hai nước đang đối đầu nhau gay gắt vì một loạt vấn đề như khủng hoảng Ukraine, cuộc chiến ở Syria, cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, vấn đề tấn công mạng, lá chắn tên lửa…
Những cuộc đối đầu này đã đẩy hai cường quốc hàng đầu thế giới vào một "cuộc chiến trừng phạt" bế tắc và nguy cơ xung đột vũ trang cũng dần dần tăng lên.