Nga tăng cường hỗ trợ quân sự cho Lebanon
Lebanon hy vọng trong thời gian tới sẽ kích hoạt dự án hơn nửa tỷ USD về cung cấp xe tăng và các dàn phóng tên lửa từ Nga - đây là tuyên bố của ông Pierre Rafful Bộ trưởng Nhà nước chuyên trách công việc của Tổng thống Lebanon thông báo với Sputnik.
Từ cuối năm 2016, Lebanon bắt đầu thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài hai năm, với việc bầu chọn Tổng thống Michel Aoun và hình thành một chính phủ mới. Sự ổn định về chính trị đã khiến nước này bắt đầu hướng sang lĩnh vực chống khủng bố.
"Có một dự án trị giá hơn nửa tỷ USD để tăng cường sức mạnh của quân đội Lebanon nhờ vào vũ khí Nga, bao gồm xe tăng, tên lửa và các bệ phóng. Chúng tôi hy vọng vấn đề sẽ được xúc tiến trong bầu không khí thân thiện hiện nay giữa hai nước" - Bộ trưởng Rafful phát biểu.
Ông nói thêm rằng Lebanon và Nga có sự trùng hợp về mục tiêu chiến lược chung là đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng là một ưu tiên đối với Chính phủ mới của nước này và là chủ đề chính trong hợp tác kinh tế với Nga.
Bộ trưởng Tài chính Lebanon Ali Khalil cũng tuyên bố, Nga đóng một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố, nhằm tìm kiếm hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông và có quan hệ tốt đẹp với đại diện của tất cả các lực lượng chính trị ở nước này.
Đại sứ Lebanon tại Nga là ông Shawki Bou Nassar cho biết rằng, đất nước ông quan tâm đến việc nhận vũ khí của Nga để đấu tranh chống khủng bố. Đặc biệt là Quân đội Lebanon đang đàm phán để mua các tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet, xe tăng T-72 và các loại pháo của Nga.
Nga đang nỗ lực hỗ trợ các nước Trung Đông-Bắc Phi như Syria, Lebanon, Ai Cập
Ông cho biết, Beirut đang làm việc với phía Moscow theo hướng tìm kiếm sự hỗ trợ lâu dài của Nga cho các lực lượng an ninh và quân đội. Theo ông, Lebanon muốn tăng cường sự hợp tác với Nga để tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự bổ sung cho lực lượng vũ trang của nước này.
Nhà ngoại giao tuyên bố rằng, hiện tại các hợp đồng mua sắm này đang được bàn bạc chi tiết ở cấp chuyên gia. Phía Nga đã hứa sẽ cung cấp xe tăng, nâng cấp các hệ thống trong xe tăng và đạn dược cho các loại pháo để giúp Lebanon trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo bộ trưởng Rafful, quân đội Lebanon hàng ngày tham gia những cuộc giao tranh và đụng độ vũ trang với các phần tử vũ trang của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và Dzhebhat en-Nusra (chi nhánh Syria của Tổ chức khủng bố al-Qaeda), vì thế cần đến sự hỗ trợ bổ sung.
Hỗ trợ quân sự Lebanon, Nga được lợi ích gì?
Bình luận về mối quan hệ với Lebanon, chuyên gia Nga Anatoly Tsyganok - Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự Nga khẳng định rằng, cùng giống như Liên bang Xô viết trước đây, hiện nay Nga có lợi ích trước mắt và chiến lược lâu dài ở Trung Đông, đặc biệt là ở Lebanon.
Ông Tsyganok cho biết, kể từ năm 2008 đã có những cuộc thảo luận về việc tạo ra một căn cứ quân sự lớn của Nga trên bờ phía Nam của Địa Trung Hải, mà sự tồn tại của một căn cứ như vậy sẽ có tầm quan trọng rất lớn trong việc duy trì sự ổn định trong toàn bộ khu vực.
Lebanon là nước nằm trên bờ biển phía Nam, phù hợp hoàn toàn để lựa chọn địa điểm bố trí một căn cứ như vậy. Việc cho phép Nga mở căn cứ quân sự ở bờ Địa Trung Hải sẽ giúp Beirut đảm bảo được an ninh lâu dài, là tiền đề để 2 nước tiếp tục triển khai hợp tác sâu rộng về kinh tế.
Ông Tsyganok lưu ý rằng, nếu nói về sự hợp tác kinh tế thì Lebanon có sức hấp dẫn lớn hơn so với Syria. Nhờ vị trí địa lý trên bờ biển, nước này có nhiều khu đất màu mỡ và có cơ hội phát triển kinh tế biển, cùng với hoạt động giao thương thông qua các cảng của nước này
Lebanon luôn có mối quan hệ khá tốt đẹp với nước láng giềng Syria, đồng thời chính quyền Damascus của người Alawite (một nhánh của dòng Shia) cũng được coi là “nhà tài trợ chính” (cùng với Iran) của lực lượng vũ trang lớn mạnh nhất nước này là Hezbollah (cũng của người Shia)
Tuy bị các nước phương Tây và Israel cho là tổ chức khủng bố quốc tế nhưng đối với đông đảo người dân Lebanon thì Hezbollah có công đánh đuổi Israel ra khỏi miền nam Lebanon vào năm 2000. Do đó, tổ chức này không ngừng lớn mạnh và lấn át các lực lượng tôn giáo khác.
Hezbollah có 18 ghế trong Quốc hội Lebanon, 4 vị trí bộ trưởng trong nội các hiện thời và sở hữu một hệ thống truyền thông khá mạnh, bao gồm nguyệt san Qubth Ut Alla, đài phát thanh Al-Nour, đài truyền hình Al Manar, được đánh giá là thu hút khán giả thứ ba trong khu vực này.
Hiện nay, Hezbollah đang là lực lượng chủ chốt hỗ trợ cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cùng với một nước do người Shia cầm quyền khác là Iran. Sự hỗ trợ của 2 đồng minh này cùng với Nga đã khiến chính quyền Alawite của ông Bashar al-Assad đứng vững cho đến hôm nay.
Sự hợp tác sâu rộng với chính quyền Lebanon và lực lượng Hezbollah cùng với một quốc gia Shia khác là Iran sẽ trở thành điều kiện thuận lợi nhất để Nga giữ vững Syria và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông, đánh bại ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.