Nga - Mỹ tranh giành hợp đồng cung cấp tiêm kích cho Ấn Độ

Quang Anh |

Với tham vọng giành được thị trường máy bay chiến đấu Ấn Độ, tại triển lãm hàng không vũ trụ Aero India 2019 ở Bangalore, tập đoàn công nghiệp quốc phòng Mỹ Lockheed Martin đã giới thiệu máy bay chiến đấu F-21 mới, được thiết kế dành riêng cho Không quân quốc gia Ấn Độ.

Cơ sở phát triển máy bay mới là tiêm kích hạng nhẹ F-16 Mỹ. Đại diện tập đoàn Mỹ cho biết: "F-21 cung cấp những khả năng độc nhất vô nhị để có thể Sản xuất ở Ấn Độ [Make in India] mở rộng con đường cho Ấn Độ tiến tới trở thành một trong những lực lượng không quân hàng đầu thế giới trong tương lai" .

Mặc dù Lockheed Martin chính thức coi F-21 là một máy bay hoàn toàn mới, nhưng thực tế đó chỉ là một nền tảng cơ sở F-16 được sửa chữa và thiết kế lại.

Tên gọi F-21 chỉ là một giải pháp tiếp thị. Máy bay chiến đấu mới F-21 không có công nghệ và thiết bị then chốt của F-16 mới, những gì Mỹ không muốn chuyển giao cho Ấn Độ. Tập đoàn Lockheed Martin cho biết, F-21 được lên kế hoạch sản xuất tại Ấn Độ trong nhà máy của tập đoàn Tata Advanced Systems.

Máy bay tiêm kích F-21 của tập đoàn Lockheed Martin, phát triển dành riêng cho không quân Ấn Độ và được sản xuất tại đất nước này. Video: Lockheed Martin .

Tham gia đấu thầu cùng với F-21 là tiêm kích đa nhiệm F/A -18 Super Hornet, Saab Gripen, Dassault Rafale, Eurofighter Typhoon MiG-35 nhằm cung cấp khoảng 110 máy bay tiêm kích chủ lực mới cho Không quân Ấn Độ. Giá trị của hợp đồng là hơn 15 tỷ USD.

Tập đoàn MiG của Nga giới thiệu với Ấn Độ máy bay tiêm kích đa nhiệm MiG-35 kèm theo các ưu đãi đặc biệt bao gồm khả năng hạ giá thành và nội địa hóa sản xuất nguyên mẫu máy bay này.

TASS, dẫn nguồn từ phóng viên thường trú tại Delhi cho biết, trong buổi giới thiệu về máy bay MiG-35, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Nirmala Sitaraman xác nhận điều này tại triển lãm Hàng không Ấn Độ - 2019.

Những điều kiện ưu đãi đặc biệt là gì? Tổng Giám đốc tập đoàn sản xuất máy bay chiến đấu MiG Ilya Tarasenko giải thích:

Đó là cung cấp các giải pháp kỹ thuật công nghệ độc đáo và sẵn sàng nội địa hóa sản xuất MiG-35 ở Ấn Độ sau khi không quân quốc gia này đưa vào biên chế khai thác sử dụng. Tập đoàn đã thực hiện một bước tiến hợp tác hữu nghị với Delhi, hiểu rõ được nhu cầu phát triển của không quân Ấn Độ.

Việc mua sắm và vận hành MiG-35 trong các điều kiện ưu đãi đặc biệt, theo đại diện tập đoàn, sẽ khiến máy bay có giá thấp hơn 20% so với giá thành ban đầu nếu áp dụng những ưu đãi của đối thủ cạnh tranh.

Ngoài ra, trong triển lãm, tập đoàn MiG cũng đưa ra dịch vụ hậu mãi mới. MiG cho biết tập đoàn sẽ hỗ trợ dịch vụ hậu cần kỹ thuật ở nước ngoài trong chế độ trực tuyến một cửa - Có nghĩa là thực hiện tức khắc các hoạt động cung cấp phụ tùng, bảo hành, bảo dưỡng và sửa chữa khi có yêu cầu của đơn vị khai thác sử dụng.

Công tác này không cần phải qua các bước thông thường sau khi bàn giao máy bay như ký kết hợp đồng xây dựng các trung tâm kỹ thuật, huấn luyện đào tạo công tác bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa các cấp. Đây là một tiêu chuẩn duy nhất cung cấp các dịch vụ kỹ thuật sau khi bán hàng.

Dù cuộc cạnh tranh cung cấp 110 máy bay phản lực đa nhiệm cho không quân Ấn Độ diễn ra quyết liệt, MiG rất khó thua thầu, ngoại trừ lý do địa chính trị. Đặc biệt là khi đã có tiền đề là nhà máy liên doanh sản xuất Su-30MKI đang hoạt động ở bang Maharashtra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại