Nga - Mỹ “lời qua, tiếng lại" song vẫn muốn kiểm soát xung đột Ukraine

Đình Nam |

Dù có quan điểm đối lập, song cả Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin hôm qua (7/6) đều có những tuyên bố nhằm mục đích kiểm soát cuộc xung đột Ukraine, tránh nguy cơ leo thang và lan rộng.

Tạp chí Politico hôm qua đưa tin, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã không đồng ý với ý tưởng của người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về việc cử các giảng viên quân sự phương Tây đến Ukraine huấn luyện trực tiếp cho binh sĩ nước này. Ông Biden đã cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra khi gửi quân NATO đến một quốc gia – nơi mà họ có thể rơi vào tình thế nguy hiểm và có khả năng làm leo thang xung đột.

Nga - Mỹ “lời qua, tiếng lại" song vẫn muốn kiểm soát xung đột Ukraine- Ảnh 1.

Chân dung các tổng thống Biden và Putin. Ảnh: Bloomberg.

Thông tin được đưa ra khi Tổng thống Pháp đang cố gắng thành lập một liên minh gồm các quốc gia phương Tây, mục đích cử các giảng viên NATO đến Ukraine để giúp huấn luyện lực lượng nước này, đặc biệt là trong lĩnh vực rà phá bom mìn và bảo trì thiết bị. Thủ tướng Pháp Gabriel Attal mới đây cũng tuyên bố “không có điều cấm kỵ” trong việc cử huấn luyện viên quân sự đến Ukraine; đồng thời chỉ ra rằng các giảng viên Pháp đã huấn luyện khoảng 10.000 quân Ukraine cả ở Pháp lẫn tại lãnh thổ các quốc gia láng giềng. Một số nước thành viên NATO ở khu vực Baltic như Litva và Estonia đã ủng hộ ý tưởng này và sẵn sàng cử giảng viên tới Ukraine để huấn luyện.

Ngoài việc không đồng ý với ý tưởng của quân NATO tới Ukraine huấn luyện, Tổng thống Mỹ cũng không đồng ý để Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tấn công sâu 300km trong lãnh thổ Nga, mà chỉ cho phép nước này sử dụng vũ khí tấn công khu vực biên giới Nga. Đây được xem là bước đi thận trọng của Mỹ nhằm kiểm soát xung đột.

Ông Biden nói: “Vũ khí Mỹ sẽ được phép sử dụng ở gần biên giới Ukraine khi Nga sử dụng ở phía bên kia biên giới để tấn công các mục tiêu cụ thể ở Ukraine. Chúng tôi không cho phép cuộc tấn công trong phạm vi sâu 300km trong lãnh thổ Nga. Mỹ không cho phép Ukraine tấn công thủ đô Moscow và điện Kremlin”.

Cùng ngày hôm qua, tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Putin tuyên bố, nước này không cần sử dụng vũ khí hạt nhân để đảm bảo chiến thắng tại Ukraine. Đây là tín hiệu mạnh mẽ nhất của Nga rằng cuộc xung đột Ukraine sẽ không leo thang thành chiến tranh hạt nhân. Theo Nhà lãnh đạo Nga, nước này chưa bao giờ phô diễn hạt nhân hay khởi xướng một cuộc leo thang hạt nhân. Nga sẽ chỉ xem xét việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong những trường hợp đặc biệt, song tình huống đó chưa xảy ra. Tổng thống Nga cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây nên xử lý vấn đề này một cách “nghiêm túc”.

Tổng thống Putin cũng nhắc lại rằng, Nga luôn sẵn sàng đàm phán để kết thúc cuộc xung đột, nhưng nước này cần có sự tin tưởng ở phía Ukraine: “Tất nhiên, chúng tôi cần đạt được những thỏa thuận, với nhiều điều khoản phù hợp với lợi ích của chúng tôi và đáng tin cậy nhất. Việc giải quyết các thỏa thuận với phía Ukraine thực sự rất khó khăn, bởi nó thiếu đi sự tin cậy. Tất cả các cuộc xung đột vũ trang đều phải kết thúc bằng thỏa thuận hòa bình. Nói như một cựu lãnh đạo khá quan trọng ở châu Âu, thì tất cả những thỏa thuận như vậy phải dựa trên sự thất bại hoặc chiến thắng trên chiến trường. Tất nhiên, chúng tôi hướng tới và sẽ đạt được chiến thắng”.

Những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Nga và Mỹ cho thấy cả hai đều đang muốn cuộc xung đột Ukraine phải nằm trong tầm kiểm soát, tránh nguy cơ lan rộng. Tuy nhiên, việc phương Tây mở rộng quyền hạn cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công Nga vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó kiểm soát khi cuộc xung đột rơi vào tình thế nguy hiểm và vượt qua các lằn ranh đỏ của các bên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại