Nga - Mỹ đối mặt loạt căng thẳng về vấn đề Ukraine

Hồng Nhung |

Trong khi Moscow tuyên bố 'lằn ranh đỏ' thì NATO vẫn gia tăng áp sát biên giới của Nga. Chính động thái này đang đẩy quan hệ hai nước ra xa hơn.

"Lằn ranh đỏ"

Theo Thời báo châu Á (Asia Times), Moscow đã nhắc lại giới hạn về"lằn ranh đỏ", tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý lâu dài trước việc NATO mở rộng về phía đông và triển khai vũ khí sát biên giới phía tây nước Nga.

Nga - Mỹ đối mặt loạt căng thẳng về vấn đề Ukraine - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần thị trấn nhỏ Volnovakha ở vùng Donetsk. Ảnh: AFP

Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố vào ngày 10/12, khẳng định Nga sẽ đảm bảo pháp lý dài hạn trong khung thời gian cụ thể dựa trên cơ sở nguyên tắc an ninh toàn diện và không thể chia cắt. Moscow cho rằng Washington đang xoay chuyển lập luận để NATO có thể tiếp tục mở rộng sát biên giới Nga.

Ngày 12/12, Tổng thống Mỹ Joe Bieden nhắc lại cam kết sẽ có phản ứng mạnh nếu Moscow xâm lược Ukraine. Thêm vào đó, Mỹ đã tập hợp cuộc họp nhóm các nước G7, nhấn mạnh lại lập trường của Washington, tuy nhiên ông không nhắc đến khái niệm "lằn ranh đỏ" mà Moscow đưa ra trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 10/12.

"Chúng tôi sẽ phải gửi thêm đội quân Mỹ và NATO đến sườn phía đông. Tất cả các thành viên trong NATO sẽ có nghĩa vụ thiêng liêng là bảo vệ họ trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía Nga", Tổng thống Biden nói.

"Họ sẽ phải trả giá khủng khiếp nếu có hành động quan sự tấn công Ukraine", Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã cử ông Karen Donfried -Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Âu đến Kiev và Moscow từ ngày 13 đến 15/12/2021 với mục tiêu khởi động lại tiến trình đối thoại bốn bên về Ukraine (được gọi là thỏa thuận Minsk) nhằm giải quyết xung đột tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine.

Chuyến đi của ông Donfried nhằm củng cố cam kết của Mỹ đối với chủ quyền, độc lập của Ukraine. Ông Donfried dự kiến cũng sẽ đến Brussels vào ngày 16 và 17/12 để tham vấn với các đồng minh NATO và các đối tác EU về các nỗ lực theo đuổi giải pháp ngoại giao.

Hiện tại, Nga đang đối mặt với nhiều thách thức khi NATO bắt đầu mở rộng phạm vi hiện diện sát Ukraine, tận dụng lợi thế bế tắc ở Donbass và mối quan hệ không mấy tốt đẹp giữa Kyiv và Moscow.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng NATO đang bơm một lượng vũ khí lớn vào Ukraine trong khi Mỹ bổ sung lực lượng đến các nước NATO ở Đông Âu.

Tình trạng tiến thoái lưỡng nan

Theo Asia Times, thời kỳ hậu Afghanistan, Mỹ đang đối mặt với một số chỉ trích sau khi rút quân khỏi khu vực này. Ngoại trừ dịch bệnh, nền kinh tế nước này cũng đang đối mặt với tình trạng lạm phát. Đây là một trong số các mấu chốt khiến chính quyền Tổng thống Biden giảm đi uy tín hơn trong các cuộc bỏ phiếu.

Cuộc thăm dò ý kiến do kênh ABC thực hiện cho biết, thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin hôm 7/12 không được đánh giá cao. Chỉ 15% trong số những người tham gia bỏ phiếu bày tỏ "rất tin tưởng" vào thành quả sau thượng đỉnh.

Giới quan sát cho rằng chính quyền Tổng thống Biden có thể sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Nga vào thời gian tới.

Trong khi đó, phương Tây đang chú ý theo dõi diễn biến của Nga trong nỗ lực giành lại thế ngang bằng chiến lược với Mỹ và được đánh giá cao về khả năng vượt trội phát triển vũ khí siêu thanh tiên tiến.Tổng thống Putin đã khẳng định điều này trong cuộc phỏng vấn trước truyền thông cuối tuần trước.

Về phía Nga, nước này vẫn đặt ưu tiên giải quyết ngoại giao. Ngay trong tuyên bố vào ngày 10/12 của Bộ Ngoại giao cũng tập trung vào các vấn đề cốt lõi của quốc phòng Nga.

Trong cuộc phỏng vấn trước truyền thông, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Ukraine được biết đến như "dự án địa chính trị của Washington" – một nỗ lực nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng và nâng cao vị thế của Mỹ trên trường quốc tế. Đây là cách tiếp cận đang gây khó khăn cho chúng tôi và ảnh hưởng đến an ninh của chúng tôi.

"Chúng tôi muốn nói rằng, Nga cũng có lằn ranh đỏ nhất định và không cho phép bất kỳ quốc gia nào vượt qua điều đó. Moscow phải đảm bảo pháp lý đáng tin cậy tối đa về sự an toàn của mình", ông Sergey Ryabkov nhấn mạnh.

Theo ông Sergey Ryabkov, Moscow khẳng định liên minh an ninh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không hiệu quả hơn cho dù gia tăng mở rộng phạm vi và cảnh báo hậu quả của động thái này sẽ rất nghiêm trọng.

Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti dẫn lời ông Ryabkov cho biết "phản ứng của chúng tôi sẽ là hành động quân sự" nếu NATO không cam kết chấm dứt hoạt động gia tăng hiện diện về phía đông.

"Sẽ có đối đầu. Về cơ bản, không có sự tin tưởng vào NATO. Vì vậy, chúng tôi không muốn tiếp tục và không tin tưởng vào sự đảm bảo của NATO", ông Ryabkov lưu ý.

Mặt khác, Nga tiếp tục bác bỏ các cáo buộc của Mỹ về mối đe dọa Moscow xâm lược Ukraine.

Rõ ràng, các tín hiệu căng thẳng giữa Moscow và Washington về vấn đề Ukraine đang cho thấy quan hệ song phương hai nước đang ở mức tệ nhất kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại