Chiến binh Taliban. Ảnh: FT.
Phát biểu trước báo giới ngày 22/8, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: “Cho đến nay, chúng ta đã thấy Taliban đã từng bước thực thi các cam kết mà lực lượng này đưa ra như giảm các hoạt động quân sự, ân xá cho tất cả những người có liên quan trong xung đột, triển khai đối thoại dân tộc nhằm thành lập một chính thể toàn diện”.
Trước đó, chỉ 2 ngày sau khi kiểm soát Afghnistan, lực lượng Taliban hôm 17/8 vừa qua đã mở cuộc họp báo đầu tiên nhằm trấn an dư luận và đưa ra các cam kết được cho là đổi mới so với giai đoạn cầm quyền 20 năm trước đây.
Cùng ngày 22/8, Thủ tướng Anh Boris Johnson - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kêu gọi tổ chức một hội nghị trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo nhóm này vào ngày 24/8 tới để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Afghanistan.
Đồng thời, nhà lãnh đạo Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế tìm cách ngăn cuộc khủng hoảng này leo thang.
Trong một dòng trạng thái trên trang Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh nhấn mạnh, điều quan trọng là cộng đồng quốc tế phải làm việc cùng nhau để đảm bảo hoạt động sơ tán an toàn, ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo và hỗ trợ người dân Afghanistan duy trì được thành quả trong 20 năm qua.
Đáp lại lời kêu gọi của Anh, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cùng ngày cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự hội nghị để cùng các nhà lãnh đạo G7 điều phối chính sách, thảo luận các nỗ lực sơ tán và hỗ trợ nhân đạo ở Afghanistan.
Dự kiến, trong ngày 22/8 (theo giờ Mỹ), ông Biden sẽ có bài phát biểu từ Nhà Trắng về tình hình tại quốc gia Nam Á này. Tổng thống Mỹ đang đối mặt với sự chỉ trích cả ở trong nước và quốc tế khi xử lý việc rút quân đội Mỹ vội vàng khỏi Afghanistan.