Mua hàng Trung Quốc
Theo Tân Hoa Xã, bản hợp đồng này được Tập đoàn HAIG ký kết với Fly AVIA FZE của Nga về việc cung cấp các máy bay Y-12E cũng như gói dịch vụ hậu mãi.
Theo các điều khoản ký kết, chiếc Y-12E đầu tiên sẽ được Trung Quốc bàn giao cho phía Nga vào năm 2017, tổng giá trị của hợp đồng ước tính vào khoảng 450 - 550 triệu Nhân dân tệ (70 - 85,6 triệu USD).
Việc Nga mua máy bay vận tải cỡ nhỏ Y-12E của Trung Quốc khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, tuy nhiên điều bất ngờ hơn lại không thực sự đến từ bản hợp đồng Y-12E này.
Cụ thể, hãng TASS dẫn lời ông Ilyas Mukhutdinov, Phó giám đốc kỹ thuật tập đoàn đóng tàu Almaz (Nga) cho biết, tập đoàn này sẽ nhập khẩu động cơ diesel của Trung Quốc thay cho của Đức để trang bị cho các tàu tuần tra thuộc Dự án 22460 của Cảnh sát biển Nga.
Thông tin này được ông Ilyas Mukhutdinov tiết lộ tại cuộc họp báo ở St. Petersburg. Nguyên nhân dẫn đến quyết định này là do Đức đã đơn phương vi phạm hợp đồng với Nga khi từ chối cung cấp động cơ mà hai bên ký kết trước đó.
Vì vậy, giải pháp của Nga lúc này là trang bị cho các tàu đang đóng động cơ diesel do Trung Quốc cung cấp, vừa nhanh lại có sẵn, ông Ilyas Mukhutdinov cho biết thêm.
Ngoài ra, theo ông Alexey Naumov, Kỹ sư trưởng thiết kế của Tập đoàn thiết kế tàu Phương Bắc (SPKB) tiết lộ thêm rằng động cơ diesel của Trung Quốc là loại sản xuất theo giấy phép của Đức, vì vậy có độ tin cậy rất cao.
Không chỉ dùng động cơ Trung Quốc cho tàu tuần tra, trước đó Nga đã ký hợp đồng mua động cơ TBD620V12 cũng do Trung Quốc sản xuất để trang bị cho 2 tàu chiến thuộc Project 21980 Grachonok.
Thông tin này được trang mạng Military Parade dẫn nguồn tin quân sự Nga cho biết. Quyết định này được đưa ra sau khi công ty Motor & Turbine có trụ sở ở Đức từ chối cung cấp động cơ theo hợp đồng đã được ký từ trước.
"Trung Quốc đã ký một hợp đồng với Nga vào cuối tháng 3/2015 cung cấp động cơ cho hai tàu chiến Project 21980 Grachonok mang số hiệu 01221 và 01222. Cả hai tàu đang được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Vympel. Các tàu sẽ trang bị động cơ TBD620V12 được sản xuất tại Trung Quốc", nguồn tin này cho biết thêm.
Ngoài việc cung cấp động cơ tàu chiến cho Nga, Trung Quốc còn cung cấp 2 bộ phận giảm tốc và hai bộ khớp nối cho các tàu chiến Nga.
Nối dài tham vọng cho Trung Quốc
Không chỉ mua máy bay, động cơ tàu chiến, theo truyền thông Nga, Trung Quốc đã có được sự giúp đỡ của Nga trong quá trình phát triển và đóng mới các tàu chiến Type 054A cũng như các biến thể của nó đang được Hải quân Trung Quốc sử dụng.
Số lượng tàu chiến Type 054A có trong biên chế của Hải quân Trung Quốc nhiều hơn bất cứ loại tàu chiến nào mà nước này đang sử dụng. Tính đến đầu năm 2014, Hải quân Trung Quốc đã đưa vào trang bị 15 chiếc Type 054A và đang tiến hành đóng mới 5 chiếc khác tại các nhà máy đóng tàu Hoàng Phố ở Quảng Châu và Hudong-Zhonghua ở Thượng Hải.
Bên cạnh đó, Type 054A còn được trang bị hệ thống vũ khí và hệ thống tác chiến điện tử tốt hơn các vượt trội hơn các tàu chiến khác.
Quá trình thiết kế và phát triển tàu chiến Type 054A diễn ra khá nhanh từ thiết kế ban đầu vào năm 2009 cho đến khi được đưa vào sản xuất chỉ nhất 3 năm, khoảng thời gian phát triển của Type 054A nhanh hơn bất cứ loại tàu chiến nào từng được Trung Quốc chế tạo.
Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ quá trình phát triển của Type 054A diễn ra nhanh như vậy là để phục vụ cho các hoạt động tranh chấp lãnh thổ trên biển của chính quyền Trung Quốc, tuy nhiên nguyên nhân chính được cho rằng Trung Quốc được các chuyên gia Nga hỗ trợ.
Mới đây nhất, trong khuôn khổ "Đề án 968", lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác kỹ thuật quân sự của SPKB và Rosoboronoexport với Trung Quốc đã ký kết hợp đồng mà thực tế là hợp đồng thiết kế-thử nghiệm. Cụ thể, hợp đồng quy định:
Cùng với Đại học kỹ thuật Vũ Hán thiết kế bố trí hệ thống tên lửa phòng không Shtil-1, radar Fregat-M2EM, hệ thống radar tàu Mineral-ME và trang thiết bị chung trên tàu.
Cung cấp trang thiết bị của Nga cho 2 tàu. Lắp đặt và thử nghiệm các trang thiết bị của Nga, trong đó có thử nghiệm cuối cùng (nhà nước) có bắn tên lửa của hệ thống tên lửa phòng không Shtil-1
Sau khi ký kết hợp đồng, đã bắt đầu công tác thiết kế tại SPKB và Đại học kỹ thuật đóng tàu Vũ Hán. Các bản vẽ công tác đã được thống nhất nhanh chóng và gần như ngay sau khi ký, đã được gửi đến xưởng đóng tàu.
Với việc ký kết này, Nga đã công khai hợp tác cùng phát triển chiến hạm với Trung Quốc chứ không còn úp mở như trước đây.