"Nga đối phó với Mỹ bằng hai cách. Cách thứ nhất là ưu tiên phát triển một loạt các hệ thống vũ khí hạt nhân chiến lược", hai chuyên gia quân sự hàng đầu Micheal Raska và Vasily Kashin viết.
"Đối với Nga, việc có trong tay một số lượng vũ khí hạt nhân hiện đại có thể phần nào đối phó với sự phát triển của các loại khí tài thông thường của Mỹ, NATO và Trung Quốc.
Cách thứ hai có phần tham vọng hơn và mang nhiều rủi ro hơn, đó là họ bắt đầu các chương trình phát triển vũ khí trong nước, mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với phương Tây".
Tên lửa RS-24 Yars của Nga, một trong những loại vũ khí hạt nhân đáng chú ý của Nga
Nga đã tiến hành phát triển vũ khí hạt nhân một cách triệt để, rất nhiều trong số đó được thiết kế để có thể xuyên phá hệ thống tên lửa phòng không mà Mỹ thiết lập ở Châu Âu.
“Nga đã cho ra mắt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars, trong khi đó các tàu ngầm lớp Borei mới được trang bị tên lửa RSM-56 Bulava hiện đại. Cùng lúc đó, Nga cũng cho chế tạo hai tên lửa đạn đạo mới là RS-28 Sarmat và RS-26 Rubezh, được thiết kế để đánh bại hệ thống phòng không của Mỹ tại Châu Âu”, hai tác giả viết.
“Thêm vào đó, Nga cũng đang nghiên cứu phát triển các loại đầu đạn siêu thanh cho các tên lửa của mình. Họ cũng cho ra một phiên bản nâng cấp của máy bay ném bom chiến lược Tu-160 Blackjack, có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.
Moscow luôn chú ý đến những hiểm họa có thể ảnh hưởng đến sự hiệu quả của lực lượng vũ khí hạt nhân của mình và ngay lập tức tìm kiếm phương án đối phó”.
“Nói tóm lại, các chương trình quân sự liên quan đến vũ khí hạt nhân của Nga hiện nay đã bước sang một giai đoạn mới”, hai tác giả nhận định. “Nga đang vượt mặt Mỹ với khoảng cách khá xa khi xét về chất lượng và sự đa dạng của các loại vũ khí hạt nhân, và có thể đảm bảo độ tin cậy của chúng trong tương lai”.
Tuy nhiên Nga không từ bỏ các loại khí tài thông thường và cũng giống như Mỹ, họ đang nghiên cứu các công nghệ quân sự khác nhau.
Về lâu dài, Nga sẽ tập trung vào các công nghệ sau: các thiết bị không người lái có khả năng chiến đấu và do thám, các thiết bị điện tử hiện đại, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa, các loại xe thiết giáp thế hệ mới, máy bay chiến đấu có khả năng đối đầu với các phi cơ thế hệ thứ năm của phương Tây và vũ khí năng lượng của tương lai.
Đáng chú ý là các dự án phát triển tàu chiến lớp Lider cùng tàu sân bay thế hệ mới đều không có trong danh sách này.
“Việc hiểu rõ sự khác biệt giữa chính sách quốc phòng Nga mà truyền thông nước này đã công bố, chính sách quốc phòng Nga dưới góc nhìn của phương Tây và chính sách quốc phòng Nga thực sự là rất quan trọng”, hai tác giả cho biết.
“Các chương trình quân sự của Nga, có vai trò quyết định đối với tương lai của quân đội Nga, thường được nhắc đến trong các phát biểu của các giám đốc quốc phòng và các chuyên gia quân sự Nga.
Tuy nhiên, truyền thông Nga lại không tập trung vào những dự án này mà vào các chương trình phát triển vũ khí không thực tế. Trong khi đó, phương Tây vẫn tiếp tục lo sợ Moscow là một thế lực đang lên, trong tương lai sẽ thách thức Mỹ và phương Tây trên mọi phương diện”.
Sau cùng, trong bối cảnh Nga đang gặp khó khăn về kinh tế, điện Kremlin đang theo đuổi một chiến lược phát triển quân sự hợp lý và rõ ràng.