RT đưa tin, đây là tuyên bố được người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia Nga Vladimir Shamanov đưa ra.
Theo ông Shamanov, chính quyền Cuba đã cho phép quân đội Nga trở lại hoạt động và quyết định này thiên về vấn đề chính trị hơn là quốc phòng.
Ngoài ra, việc Nga mở lại căn cứ quân sự ở Cuba có thể được đưa ra thảo luận trong chuyến thăm tới Nga vào đầu tháng này của Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Theo ông Shamanov, Chủ tịch Diaz-Canel là người có tư tưởng lo ngại về sự hiện diện quân sự của nước ngoài nhưng "chính trị là vấn đề sống còn".
"Cuba có lợi ích riêng của mình, nhưng cũng đang phải hứng chịu những hậu quả từ lệnh trừng phạt của Mỹ", ông Shamanov nói.
Trước đó, ông Shamanov cũng đã lên tiếng hối thúc Moscow và Washington hòa giải sau tuyên bố hôm 22/10 của Tổng thống Donald Trump đe dọa rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Vũ khí hạt nhân tầm trung (INF).
INF được ký kết vào năm 1987 và có hiệu lực từ năm 1988. INF cấm Mỹ và Liên Xô (và sau này là Nga) phát triển, sản xuất và triển khai các loại tên lửa hành trình có tầm bắn trong khoảng từ 500 - 5.500km.
"Nếu chúng ta không dừng lại và không thảo luận, chúng ta sẽ tạo điều kiện cho việc dẫn tới một cuộc khủng hoảng Cuba mới", RIA Novosti dẫn lời ông Shamanov.
Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba đã kéo Mỹ và Liên Xô cũ vào bờ vực chiến tranh trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Trong giai đoạn này, các tên lửa hạt nhân do Liên Xô chế tạo đã được đưa tới Cuba để đáp trả việc Mỹ đưa lực lượng tên lửa tương tự tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô cũ đã đặt căn cứ tình báo ở Lourdes của Cuba. Mở cửa hoạt động vào năm 1967, đây được xem là cơ sở tình báo lớn nhất ở nước ngoài với hơn 3.000 nhân viên làm việc. Sau khi Liên Xô cũ tan rã, căn cứ ở Lourdes bị cắt giảm quy mô và tiếp tục hoạt động cho tới năm 2001 thì đóng cửa hoàn toàn.