Nga đánh chắc tiến chắc, bào mòn dần lực lượng Ukraine và răn đe phương Tây

Trung Hiếu |

Hiện nay Nga áp dụng chiến lược đánh chắc tiến chắc, lấn từng bước, làm hao mòn dần lực lượng Ukraine, đồng thời tung ra những lời đe dọa khiến phương Tây phải dè chừng.

Quân Nga chủ trương đánh chắc tiến chắc, lấn từng bước trên thực địa

Trong mùa hè 2024 này, quân đội Nga tiến công chậm nhưng đều đặn vào phòng tuyến Ukraine bị áp đảo về vũ khí và nhân lực, buộc phương Tây phải vội vã cung cấp thêm vũ khí cho Kiev.

Nga đánh chắc tiến chắc, bào mòn dần lực lượng Ukraine và răn đe phương Tây- Ảnh 1.

Xe tăng T-90 của Nga nã pháo. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Nga tận dụng lợi thế về hỏa lực trên toàn chiến tuyến trong lúc viện trợ quân sự của phương Tây chậm đến tay binh lính Ukraine. Các đơn vị tương đối nhỏ của Nga đã tiến hành các đòn đánh thăm dò để tìm điểm yếu trong phòng tuyến Ukraine.

Cuộc tiến công của Nga gần Kharkov, thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, bắt đầu vào tháng 5/2024, đã chậm lại sau khi Ukraine điều lực lượng từ các nơi khác đến đây. Tuy nhiên, Nga vẫn đạt được bước tiến dù nhỏ nhưng đều đặn ở tỉnh Donetsk, bao gồm quanh thị trấn chiến lược Chasov Yar - cửa ngõ vào những khu vực thuộc Donetsk do Ukraine kiểm soát. Giới phân tích cho rằng nếu Chasov Yar thất thủ, điều đó sẽ đe dọa các trung tâm hậu cần chính của Ukraine là Sloviansk và Kramatorsk.

Tổng thống Putin tuyên bố Nga không muốn giành các thắng lợi mau chóng và sẽ kiên trì chiến lược đánh chắc tiến chắc.

Duy trì áp lực, căng mỏng lực lượng đối phương

Jack Watling thuộc Viện Liên quân chủng Hoàng gia (trụ sở ở London) cho rằng bằng cách căng kéo lực lượng Ukraine trên một mặt trận rộng lớn, Nga đang khắc phục các nhược điểm của mình.

Trong một phân tích, Walting cho rằng bề rộng của các cuộc tiến công từ phía Nga đã buộc Ukraine phải dàn rộng lực lượng pháo binh, tiêu tốn nhiều đạn pháo để ngăn chặn các cuộc tấn công liên tiếp của Nga. Ông nói: "Mục đích của phía Nga không phải là đạt một bước đột phá lớn mà nhằm tiến từng kilomet một, dọc theo chiến tuyến".

Michael Kofman thuộc tổ chức Carnegie Endowment cho rằng mục tiêu của Nga là duy trì áp lực và căng mỏng lực lượng của Ukraine. Ông lưu ý rằng dù Ukraine cố gắng ổn định chiến tuyến, họ vẫn phải sử dụng lực lượng dự bị mà đáng lẽ phải dành cho việc triển khai ở nơi khác.

Kofman nhận xét: "Sẽ mất thêm nhiều thời gian để tái tạo lại sức chiến đấu của Ukraine bị mất đi do chống đỡ lại các áp lực quân sự của Nga".

Moscow cũng đẩy mạnh tập kích bằng tên lửa và UAV vào cơ sở năng lượng và hạ tầng trọng yếu khác của Ukraine. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết nước ông đã mất tới 80% sản lượng nhiệt điện và 1/3 lượng thủy điện do các cuộc tấn công này.

Kofman cho biết, những đòn tập kích tạo ra tương lai u ám cho nền kinh tế Ukraine. Còn Watling cho rằng việc thiếu thốn hệ thống phòng không sẽ buộc Ukraine phải cân nhắc giữa bảo vệ cơ sở hạ tầng và bảo vệ binh sĩ ở tiền tuyến. Ông này cho rằng chiến dịch tấn công tầm xa của Nga đe dọa Ukraine cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Sergei Poletaev - nhà phân tích an ninh ở Moscow, cho rằng Điện Kremlin cố gắng làm suy kiệt dần nguồn lực của Ukraine để ép Kiev chấp nhận một thỏa thuận hòa bình dựa trên các điều khoản của Nga. Ông nói, "nước chảy mãi thì đá cũng phải mòn".

Theo Poletaev, lợi thế quân sự của Nga cho phép họ duy trì sức ép dọc theo toàn chiến tuyến cũng như đạt những bước tiến mới trong khi đợi chờ "Ukraine suy sụp".

Nga chuẩn bị phương án đáp trả phương Tây một cách cứng rắn

Vừa qua Mỹ đã đồng ý để cho Ukraine dùng vũ khí Mỹ tấn công mục tiêu Nga trong lãnh thổ Nga gần Kharkov. Pháp và một số nước phương Tây thậm chí còn cho rằng Kiev nên được phép dùng vũ khí phương Tây tấn công bất cứ mục tiêu quân sự nào trên đất Nga. Tổng thống Pháp Macron và một số lãnh đạo các nước Baltic thuộc NATO cũng bàn về việc triển khai quân NATO tới Ukraine.

Tổng thống Nga Putin coi các động thái trên là leo thang nguy hiểm và đã đáp trả bằng việc ký thỏa thuận tương trợ quốc phòng với Triều Tiên, đe dọa cung ấp vũ khí cho các đối thủ của phương Tây trên khắp thế giới.

Mới đây sau vụ tấn công của đối phương vào Sevastopol, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo có thể thực hiện các biện pháp chống lai UAV Mỹ bay qua Biển Đen và cung cấp thông tin tình báo cho Ukraine.

Đáng lưu ý nhất là nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng. Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng NATO sẽ mắc sai lầm nếu cho rằng Nga không dám kích hoạt vũ khí hạt nhân khi cần thiết. Ông cho biết, Moscow đang xem xét điều chỉnh thay đổi học thuyết hạt nhân. Trên thực tế, Nga đã tổ chức diễn tập vũ khí hạt nhân chiến thuật với sự tham gia của Belarus.

Bên trong nước Nga, một số thành phần cứng rắn cũng yêu cầu Tổng thống Putin phải hành động kiên quyết hơn nữa với phương Tây và NATO.

Vasily Kashin - nhà phân tích quốc phòng ở Moscow, cho rằng Nga có thể đáp trả phương Tây bằng cách tấn công các UAV phương Tây hoặc các vệ tinh do thám của Mỹ, hoặc thậm chí tấn công các cơ sở của NATO ở hải ngoại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại