Khi nào Nga và Ukraine quay trở lại đàm phán?
"Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể chờ đợi. Sắp tới sẽ là một mùa đông khó khăn đối với người dân châu Âu. Chúng ta có thể sẽ thấy các cuộc biểu tình. Một số nhà lãnh đạo châu Âu sẽ cân nhắc về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng đã đến lúc phải đạt được một thỏa thuận", một nguồn tin thân cận với giới chức Nga cho biết.
Phái đoàn Nga (trái) và Ukraine trước cuộc họp tại Belarus vào đầu tháng 3. Ảnh: TASS
Nguồn tin thứ hai thân cận với Điện Kremlin cho hay, Nga nghĩ rằng họ đã thấy sự thống nhất của châu Âu đang lung lay.
"Sẽ rất khó khăn nếu cuộc chiến kéo dài sang mùa thu và mùa đông. Vì vậy, có hy vọng Ukraine sẽ đề nghị đàm phán hòa bình", nguồn tin cho hay.
Điện Kremlin chưa đưa ra phản hồi về vấn đề này nhưng Nga vốn phủ nhận việc sử dụng năng lượng như một vũ khí chính trị.
Trong khi đó, Ukraine cho biết đến nay không thấy sự ủng hộ dành cho họ dao động.
"EU đã sát cánh cùng các bạn trong cuộc chiến này ngay từ đầu. Và chúng tôi sẽ đồng hành cho đến khi nào còn cần thiết", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ với người dân Ukraine vào ngày Quốc khánh Ukraine.
Với viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD từ Mỹ và các nước phương Tây khác, Ukraine cho rằng họ có cơ hội thay đổi cán cân trên trận địa.
"Để các cuộc đàm phán với Nga trở nên khả thi, cần phải thay đổi hiện trạng ở mặt trận có lợi cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Điều cần thiết là quân đội Nga phải chịu những thất bại chiến thuật đáng kể", Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, nói.
Ukraine cũng đã nói về một cuộc phản công lớn để giành lại miền Nam dù Nga đang xây dựng lực lượng ở khu vực đó.
Sự đối đầu về địa chính trị đã khiến giá năng lượng tăng lên kỷ lục. EU bắt đầu cấm nhập than Nga và thông qua lệnh cấm một phần nhập khẩu dầu thô Nga để trừng phạt nước này vì chiến dịch quân sự ở Ukraine. Đáp lại, Nga đã cắt giảm mạnh xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.
Các nước châu Âu đã ứng phó với áp lực năng lượng trong mùa đông này bằng cách tìm kiếm các nguồn cung thay thế và thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm năng lượng, nhưng rất ít chuyên gia tin rằng châu Âu sẽ có thể đáp ứng tất cả nhu cầu của mình.
Nga cho rằng việc giảm lượng khí đốt là do các vấn đề kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây và việc một số nước từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp. Trong khi đó, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga đạt mức kỷ lục.
Nguồn tin thân cận với chính quyền Nga cho biết, trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình tiềm năng nào tương lai, Nga đều muốn giành lãnh thổ, đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu vực Donbass và Ukraine phải cam kết trung lập về quân sự.
Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 23/8 cho biết, Ukraine sẽ không đồng ý đình chiến tại tiền tuyến hiện tại để xoa dịu Nga.
Cố vấn Podolyak cho biết phương Tây đang cung cấp cho Ukraine đủ vũ khí để "không gục ngã" trước Nga nhưng không đủ để giành chiến thắng, đồng thời cho biết Kiev cần có sự hỗ trợ lớn hơn nữa.
Các nước phương Tây đã từ chối đưa quân tham gia xung đột và hạn chế cung cấp một số khí tài vì muốn tránh một cuộc chiến rộng hơn với Nga.
Chiến sự giằng co giữa Nga và Ukraine
Các quan chức Mỹ tin Nga vẫn giữ mục tiêu ban đầu là kiểm soát thủ đô Kiev nhưng không thể thực hiện được việc này. Họ cho rằng không thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga có ý định giảm leo thang và cuộc chiến có thể sẽ kéo dài.
Andrey Kortunov, người đứng đầu tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại RIAC, cho biết, cả Nga và Ukraine đều không có ý định từ bỏ trước.
"Cả hai bên đều tin rằng theo thời gian, vị thế của họ có thể trở nên vững chắc hơn. Trên thực tế, rất khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể sớm đạt được một thỏa thuận chính trị", ông Kortunov nói.
Cho đến nay, Nga và Ukraine đều đang trong một cuộc chiến tiêu hao trong khi không bên nào có thể tiến hành cuộc tấn công mang tính bước ngoặt. Các lực lượng Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ ở miền Đông Ukraine trong tháng 7.
Nhà phân tích quân sự Konrad Muzyka cho biết, các lực lượng Nga có thế chủ động ở một số khu vực ở miền Đông Ukraine nhưng khó có thể thấy bên nào giành được ưu thế nếu không có sự tăng cường về thiết bị và nhân lực.
Neil Melvin, nhà phân tích thuộc cơ sở nghiên cứu RUSI có trụ sở ở London (Anh), cho rằng nếu cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ giữa phương Tây và Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.
Rủi ro hạt nhân
Tony Brenton, cựu Đại sứ Anh tại Nga, cho biết, phương Tây "vào một thời điểm nào đó" có thể phải "đẩy Ukraine vào một số thỏa hiệp bất lợi" trừ khi Kiev đạt được một số bước tiến đột phá.
Ông Brenton cảnh báo rằng Nga, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, có thể leo thang xung đột nếu phải đối mặt với thất bại trong cuộc chiến. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần bác bỏ quan điểm cho rằng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nhà phân tích Samir Puri cũng cho rằng Ukraine có nguy cơ phải chấp nhận thực tế rằng 1/4 lãnh thổ sẽ thuộc quyền kiểm soát của Nga, trừ khi Kiev có thể thay đổi động lực của cuộc xung đột./.