Theo hãng tin Sputnik, ông Alexey Podberezkin - người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu chính trị và quân sự tại Nga cho biết Moscow đã có “câu trả lời hoàn hảo” nhất cho THAAD mà Mỹ sắp triển khai tại Hàn Quốc. Theo ông, đó là tên lửa Iskander và Kalibr.
Trước đó trong tuần này, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng THAAD của Mỹ đang được triển khai tại Hàn Quốc có thể thúc đẩy Moscow đáp trả quân sự.
Tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: Sputnik
“Trong trường hợp này, đó là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander. Ngoài ra, Nga còn có tên lửa bố trí trên biển, chẳng hạn như Kalibr - loại tên lửa có thể phá hủy hệ thống THAAD. Ngoài ra, Moscow còn có các hệ thống tác chiến điện tử” - ông Podberezkin cho biết.
Ông Podberezkin nói rằng Mỹ đã bắt đầu tìm cớ triển khai THAAD ở Nhật Bản và Hàn Quốc và tất cả điều này không hoàn toàn phụ thuộc vào tình hình ở Triều Tiên.
Truyền thông địa phương hôm 6/9 đưa tin Seoul thông báo triển khai bổ sung bốn THAAD ở tỉnh Bắc Geyongsang sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần 6. THAAD này sẽ được bố trí tại một căn cứ mới ở Seongju, cách thủ đô Seoul 300 km, theo Yonhap.
Vị chuyên gia Nga nhận định: “Vì vậy, tại sao Nga lại không thực hiện những bước đi như đã làm ở Kaliningrad trước đó (bố trí các hệ thống tên lửa như Iskander)?
Vấn đề là ở chỗ nếu không có biện pháp đáp trả quân sự thì các mối đe dọa sẽ tiếp tục xuất hiện. Đối với các mối đe dọa về kỹ thuật - quân sự thì cần phải phản ứng bằng các biện pháp kỹ thuật - quân sự”.
Hồi tháng 7 năm ngoái, Seoul và Washington nhất trí triển khai THAAD ở quận Seongju, Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng dâng cao xung quanh các vụ thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Moscow và Bắc Kinh đồng loạt phản đối việc triển khai THAAD, nói rằng điều này có thể làm cho cuộc khủng hoảng hạt nhân này tồi tệ hơn nữa và kích động Triều Tiên thực hiện các hành vi khiêu khích.
Tên lửa Iskander-M là một hệ thống chiến thuật triển khai nhanh, được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu ở phạm vi lên tới 500 km. Iskander được dành cho các mục tiêu nhỏ như hệ thống tên lửa, pháo phản lực bắn loạt, pháo binh tầm xa, sân bay và sở chỉ huy.
Nga đã bố trí hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn di động Iskander-M tới Kaliningrad ở biển Baltic hồi tháng 10/2016.
Một tàu hải quân Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr vào vị trí của nhóm khủng bố Mặt trận Nusra từ biển Địa Trung Hải. Ảnh: Sputnik
Về tên lửa Kalibr, loại tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 2.600 km và có thể vượt qua được bất kỳ hệ thống phòng không và hệ thống chống tên lửa nào. Khi bay, tên lửa Kalibr liên tục thay đổi độ cao và chiều hướng vì vậy phát hiện được chúng là một nhiệm vụ rất khó khăn.
Hôm 5/9, tàu khu trục Đô đốc Essen của Hạm đội biển Đen của Nga đã phóng tên lửa hành trình Kalibr vào một khu vực gần thị trấn Ash Sholah, Syria bị Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) chiếm đóng.
Kết quả, hàng chục phần tử khủng bố bị tiêu diệt. Các sở chỉ huy của IS, một trung tâm liên lạc, một cơ sở sửa chữa phương tiện thiết giáp của nhóm khủng bố cùng các kho đạn dược, vũ khí cũng bị phá hủy tan tành gần TP Deir ez-Zor, theo Bộ Quốc phòng Nga.