Tờ báo Mỹ dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulo nói với hãng tin RIA Novosti rằng Moscow đang lập một chiến lược thuyết phục CHDCND Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Trung Quốc hoan nghênh, Mỹ phản đối
Theo ông Morgulov, kế hoạch của Nga là một “lộ trình” dài để ổn định tình hình ở bán đảo Triều Tiên, từng bước để tất cả các bên ngồi vào bàn đàm phán. “Lộ trình” cũng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh khiêu khích, chấm dứt dọa nạt bằng cách dùng vũ lực.
Ông Morgulov nói: “Vấn đề là làm sao để các nước trong khu vực cảm thấy an toàn. Trong trường hợp của Triều Tiên, phải bảo đảm dẫn đến việc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân. Chúng tôi tin các hành động khiêu khích quân sự, dù từ bất kỳ bên nào, chỉ làm tình hình thêm căng thẳng”.
Ông Morgulov không nói chi tiết về kế hoạch mới nhưng cho biết Nga sẽ “làm việc điều phối” với các đối tác Trung Quốc để Mỹ - Triều kiềm chế và đàm phán. Ông cũng nói Nga phản đối “cách diễn giải lung tung” về lệnh cấm vận Triều Tiên của LHQ và việc “các nước đơn phương đưa ra những hạn chế” - ám chỉ nỗ lực do Mỹ dẫn đầu để trừng phạt Triều Tiên.
Bình luận của ông Morgulov vào lúc quan hệ Mỹ - Nga đang căng thẳng do các hoạt động quân sự đối đầu nhau ở Đông Âu và Syria.
Tuy nhiên, Trung Quốc hoan nghênh “lộ trình” này của Nga và nói rằng kế hoạch của Bắc Kinh “hoàn toàn tương thích với gợi ý của Nga”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói: “Trung Quốc hoan nghênh nỗ lực mang tính xây dựng để bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, hòa bình, ổn định và ủng hộ đề xuất của Nga về vấn đề này.
Trung - Nga là đối tác chiến lược, duy trì liên lạc chặt chẽ và điều phối về các vấn đề quốc tế và khu vực”.
Gần đây, Mỹ đã nhờ Trung Quốc gây sức ép với Triều Tiên để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.
Hai chương trình này khiến Mỹ đã có những lời đe dọa hành động quân sự để ngăn chặn Bình Nhưỡng. Nhưng trong tuần vừa qua, Tổng thống Trump đã nói bóng gió rằng Bắc Kinh chưa làm tròn việc Mỹ nhờ cậy.
Cùng ngày Nga nói có chiến lược riêng để giải quyết xung đột, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã bày tỏ sự phản đối việc Nga “phỗng tay trên” khi Bắc Kinh rút lui.
Bà nói với các nghị sĩ Mỹ: “Tôi lo ngại Nga có thể hậu thuẫn Triều Tiên. Chúng tôi chưa có bằng chứng nhưng đang theo dõi kỹ. Chúng ta cần tiếp tục ép Trung Quốc và cảnh giác Nga. Chúng ta cần tiếp tục để Triều Tiên biết chúng ta không muốn lật đổ chế độ... Chúng ta chỉ muốn họ ngưng hoạt động hạt nhân”.
Nga có thật sự có ảnh hưởng với Triều Tiên?
Có lẽ điều quan trọng nhất của “lộ trình” là bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng, từ đó cho phép họ ngưng chương trình tên lửa hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà phân tích địa chính trị nói rằng trên giấy tờ thì dễ, thực tế lại rất khó thực hiện.
Chuyên gia các vấn đề nước ngoài Vladimir Frolov (người Nga) nói với báo Moscow Times: “Nó giống như danh sách xin quà Noel của Triều Tiên. Kế hoạch của Nga yếu, thiếu yêu cầu Bình Nhưỡng phải tạm ngưng (chưa nói đến từ bỏ) chương trình tên lửa và hạt nhân. Ngoài ra, Nga cũng không có biện pháp trừng phạt những vi phạm của Triều Tiên”.
Ông Frolov còn nói thêm: “Đó là một động thái điều phối với Trung Quốc nhằm mô tả chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump như một bên hiếu chiến”.
Ông Frolov nói rằng vấn đề là Điện Kremlin thiếu tầm ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng. Điều này khác với cách nhìn chung nhưng các nhà phân tích nói đúng thế.
Sau Chiến tranh Triều Tiên, Moscow và Bình Nhưỡng là đồng minh, Liên Xô từng tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng kinh tế Triều Tiên. Tuy nhiên sự giúp đỡ kết thúc khi Liên Xô sụp đổ.
Vài năm qua, quan hệ kinh tế Nga - Triều được phục hồi. Năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin xóa món nợ 11 tỉ USD mà Bình Nhưỡng nợ Liên Xô.
Hiện nay lao động Triều Tiên làm việc ở vùng Viễn Đông Nga, xây sân vận động Zenit ở thành phố St. Petersburg. Lực lượng lao động Triều Tiên ở Nga tạo ra nguồn ngoại tệ mạnh cần thiết cho Bình Nhưỡng vốn bị mất một nửa nguồn thu.
Bình Nhưỡng chỉ có "bảo hiểm" là bom hạt nhân
Theo Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu ở Trung tâm Carnegie tại Moscow, Nga chỉ kiểm soát khoảng 5% thương mại của Triều Tiên, không nhiều so với Trung Quốc. Chính vì thế Nga không thể một mình gây sức ép kinh tế với Bình Nhưỡng.
Ông Gabuev nói rằng bất kỳ nỗ lực nào để kiềm chế Triều Tiên sẽ phải giải quyết nỗi lo ngại cơ bản của họ.
Trong khi Mỹ lo tên lửa Triều Tiên có thể phóng tới vùng duyên hải phía tây nước Mỹ, Bình Nhưỡng lại xem vũ khí hạt nhân là chính sách bảo hiểm duy nhất của họ trước Mỹ.
Triều Tiên cảnh giác khi phải chứng kiến sự việc như cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, người đã từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt và làm thân với phương Tây, nhưng rồi bị quân nổi dậy giết chết vào lúc NATO không kích Libya.
Ông Gabuev nói khi cả Triều Tiên và Mỹ đều không thể tìm ra cách để bảo đảm an ninh cho chính họ, thì “lộ trình” của Nga cho bán đảo Triều Tiên sẽ khó thể đạt hiệu quả.
“Bài học mà Triều Tiên rút ra được là bạn phải có một khả năng phòng thủ. Với họ, đó chính là bom hạt nhân”, ông Gabuev nói.