Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga (ảnh) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Ảnh minh họa: Sarychev.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã cam kết tăng cường hỗ trợ các hệ thống phòng không tiên tiến cho Ukraine và có kế hoạch tổ chức tập trận hạt nhân vào tuần tới. Một động thái dự báo có thể đẩy căng thẳng tại châu Âu lên cao hơn nữa.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Nga không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân vào bất kỳ quốc gia nào. Những tuyên bố gần đây của Mỹ và các đồng minh phương Tây về mối nguy cơ hạt nhân từ Nga là một phần trong tham vọng thống trị toàn cầu bất chấp nguy cơ kích động một cuộc đụng độ vũ trang trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân lớn. Một động thái mà Moscow cho là có thể kéo dài hơn nữa cuộc xung đột.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Nga lấy làm tiếc khi lãnh đạo phương Tây, trong đó có Mỹ và châu Âu, gia tăng những lời hùng biện về vấn đề hạt nhân.
Chúng tôi tin rằng một hành động như vậy sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào và sẽ càng làm gia tă ng sự khiêu kích. Nga không muốn và cũng không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào như vậy".
Trong khi đó, Phó Thư ký Hội đồng an ninh Nga Alexander Venediktov dẫn học thuyết hạt nhân của nước này khẳng định, việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ có thể xảy ra nếu các quốc gia đối địch sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Liên bang Nga và các đồng minh.
Tuyên bố của giới chức Nga đưa ra trong bối cảnh các bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau 2 ngày họp tại Brussels đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng phòng không của châu Âu, cũng như cung cấp cho Ukraine tên lửa và các hệ thống phòng không tiên tiến.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloys Austin, NATO đang thống nhất hơn bao giờ hết: "Đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất châu Âu kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, NATO đang cho thấy sự thống nhất và kiên quyết hơn bao giờ hết.
Chúng tôi sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc xung đột, nhưng sẽ đứng về phía Ukraine và sẽ tiếp tục tăng cường khả năng phòng thủ tập thể của NATO".
NATO cũng đang xúc tiến kế hoạch diễn tập hạt nhân hàng năm vào tuần tới và theo một số nguồn tin, phần chính của cuộc diễn tập sẽ được tổ chức cách Nga hơn 1.000 km.
Sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm khi có thể thổi bùng hơn nữa cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Chính phủ Nga nhiều lần cảnh báo phương Tây đang tiến gần hơn tới "lằn ranh đỏ" khi tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ lãnh thổ Nga, bao gồm cả những khu vực mới sáp nhập.