Một báo cáo mới đây của Nga gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đã phát hiện những trường hợp nhiễm cúm H5N8 trên người đầu tiên. Đó thực sự là một cảnh báo bởi virus H5N8 trước nay chỉ lây nhiễm trên gia cầm chứ không truyền sang cho con người.
Báo cáo cho biết có 7 công nhân làm việc tại một trang trại ở miền nam nước Nga đã nhiễm virus cúm trong một đợt bùng phát dịch vào tháng 12 năm ngoái. Các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Vektor đã phân lập vật liệu di truyền của chủng virus này và xác nhận đó là H5N8.
Rút kinh nghiệm từ sự bưng bít thông tin của Trung Quốc dẫn đến phản ứng chậm trễ của WHO trong những ngày đầu đại dịch COVID-19, ngay sau khi phát hiện 7 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N8 đầu tiên này, Nga đã gửi cảnh báo tới Tổ chức Y tế Thế giới.
Trong một phát biểu trên truyền hình, người đứng đầu cơ quan giám sát sức khỏe Rospotrebnadzor của Nga, Anna Popova, cho biết: "Thông tin về trường hợp lây truyền bệnh cúm gia cầm (H5N8) đầu tiên trên thế giới sang người đã được gửi tới WHO".
Bà cho biết thêm, mặc dù nhiễm virus H5N8 nhưng sức khỏe của cả 7 công nhân hiện vẫn ổn định. Các ca nhiễm này hiện đang được theo dõi chặt chẽ tại Nga để xem virus H5N8 có biến chủng và lây từ người sang người được không.
Trước đây, virus cúm này chưa từng vượt ra khỏi biên giới các loài chim và gia cầm trang trại. H5N8 có thể dễ dàng gây ra dịch bệnh và nguy cơ tử vong cao cho gia cầm, nhưng nó chưa từng lây sang người.
Vì vậy, Popova ca ngợi "phát hiện khoa học quan trọng" này của phòng thí nghiệm Vektor: "Việc phát hiện ra những đột biến này khi virus vẫn chưa có khả năng truyền từ người sang người cho chúng ta thời gian để chuẩn bị cho những đột biến có thể xảy ra và phản ứng một cách đầy đủ, kịp thời".
WHO nói gì về trường hợp nhiễm cúm H5N8 trên người đầu tiên tại Nga?
Trong thông báo mới nhất của mình, Tổ chức Y tế Thế giới xác nhận rằng họ đã được Nga thông báo về diễn biến này.
"Chúng tôi đang thảo luận với các nhà chức trách quốc gia để thu thập thêm thông tin và đánh giá tác động sức khỏe cộng đồng của sự kiện này", một người phát ngôn của WHO cho biết. "Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên virus H5N8 lây nhiễm sang con người".
WHO nhấn mạnh rằng các công nhân người Nga nhiễm virus nhưng "không có triệu chứng". Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy virus H5N8 có thể lây truyền từ người sang người.
Người đứng đầu cơ quan giám sát sức khỏe Rospotrebnadzor của Nga, Anna Popova, cho biết: "Thông tin về trường hợp lây truyền bệnh cúm gia cầm (H5N8) đầu tiên trên thế giới sang người đã được gửi tới WHO".
Trước đây, con người đã phải đối mặt với rất nhiều chủng cúm gia cầm và cúm lợn, chẳng hạn như cúm gia cầm nhóm A H5N1 và H7N9, các các phân nhóm cúm lợn như H1N1. Theo WHO, mọi người thường bị nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với động vật hoặc môi trường chứa virus. Thường thì các chủng cúm này không gây ra nguy cơ lây truyền lâu dài giữa người với người.
Tuy vậy, chúng ta vẫn phải cảnh giác, bởi nhiều chủng cúm gia cầm rất nguy hiểm. Chẳng hạn, nhiễm H5N1 trên người có thể gây bệnh nặng và tỷ lệ tử vong tới 60%.
"Phần nổi của tảng băng chìm"
Gwenael Vourc'h, người đứng đầu nghiên cứu tại Viện Nông nghiệp, Thực phẩm và Môi trường Quốc gia của Pháp, cho biết virus cúm tiến hóa "khá nhanh". Vì vậy, bà nghi ngờ có thể đã có những trường hợp nhiễm H5N8 khác chưa được báo cáo ở Nga.
"Đây [7 trường hợp ban đầu này] có lẽ mới là phần nổi của tảng băng chìm", Gwenael Vourc'h nói.
Francois Renaud, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), thì bình tĩnh hơn. Ông nói rằng mình "không đặc biệt lo lắng" trong giai đoạn này.
Đại dịch COVID-19 đã dạy cho các quốc gia một bài học rằng họ luôn phải trung thực và cảnh giác với các mối đe dọa tiềm ẩn, chẳng hạn như virus nhiễm từ động vật sang người. Vì vậy, ngay sau khi phát hiện ra 7 trường hợp nhiễm H5N8 đầu tiên, Nga đã chia sẻ thông tin với WHO.
Đó là cơ sở để Renaud tin rằng: "Các biện pháp hà khắc sẽ được thực hiện ngay lập tức để ngăn chặn sự bùng phát nếu nó có thể xảy ra". Trước đây, dịch cúm gia cầm đã hoành hành ở một số nước Châu Âu bao gồm cả Pháp, nơi hàng trăm nghìn con gia cầm đã bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây nhiễm.
Trung tâm Công nghệ Sinh học và Virus Nhà nước Vektor của Nga, nơi đã phát hiện ra 7 ca nhiễm H5N8 trên người đầu tiên, cũng đang phát triển một loại vắc-xin chống COVID-19.
Trong phát biểu trên truyền hình, giám đốc của họ Rinat Maksyutov cho biết phòng thí nghiệm đã sẵn sàng để bắt đầu phát triển các bộ kit xét nghiệm giúp phát hiện các trường hợp nhiễm H5N8 tiềm ẩn trên người và bắt đầu nghiên cứu vắc-xin cho virus này.
Trước đây, Liên Xô từng là một cường quốc khoa học và Nga đang tìm cách giành lại vai trò lãnh đạo trong nghiên cứu vắc-xin dưới thời Tổng thống Vladimir Putin. Vào tháng 8, họ đã cấp giấy phép lưu hành cho một loại vắc-xin COVID-19 có tên Sputnik V, trước nhiều tháng so với các đối thủ phương Tây.
Sau những hoài nghi ban đầu, tạp chí The Lancet tháng này đã công bố kết quả cho thấy vắc-xin COVID-19 của Nga rất an toàn và đạt hiệu quả tới 91,6%.
Josep Borrell, Cao ủy phụ trách an ninh và đối ngoại của EU cũng phải dành những lời khen ngợi: "Vắc-xin Sputnik V là tin tốt lành cho toàn nhân loại vì điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ có thêm công cụ để chống lại đại dịch COVID-19".
Tham khảo Sciencealert