Nga bị EU thẳng thừng tạt gáo nước lạnh

Kiệt Linh |

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xuống nước với Nga, muốn Nga quay lại nhóm G8 thì Liên minh châu Âu (EU) cùng với Ukraine lại ra sức phản đối động thái của Mỹ. Diễn biến này một lần nữa cho thấy khả năng Nga và EU có thể tháo gỡ mâu thuẫn sâu sắc kéo dài mấy năm qua là rất khó bất chấp cuộc chiến trừng phạt giữa hai bên đã gây ra nhiều tổn thất.

Tổng thống Trump hôm 20/8 đã phát biểu rằng, sẽ là “thích hợp” để đưa Nga quay trở lại nhóm trước đây gọi là G8. Hiện tại, sau khi tẩy chay Nga, nhóm này được gọi là G7. Ông Trump đã đưa ra lời đề nghị trên ngay trước thềm hội nghị G7 diễn ra vào cuối tuần này ở Pháp.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là lời đề nghị của Mỹ nhanh chóng bị bác bỏ. Cả Pháp, Đức và Anh đều là thành viên của nhóm G7, đã nhanh chóng lên tiếng phản đối đề xuất của Tổng thống Trump. Các nước này nhấn mạnh rằng, Nga bị loại khỏi nhóm G8 là do nước này tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và sau đó lại ủng hộ cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine chóng lại chính quyền ở Kiev. Ukraine hôm qua (22/8) cũng lên tiếng phản đối việc để Nga quay lại nhóm G8.

"Chẳng có điều gì thay đổi kể từ tháng Ba năm 2014 khi Nga bị loại ra khỏi nhóm nước G8. Bán đảo Crimea của Ukraine vẫn bị chiếm đóng như trước đây. Vùng Donbass (miền đông) của Ukraine vẫn phải hứng chịu chiến tranh”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu như vậy.

Chia sẻ quan điểm trên, một quan chức của EU đã nói, việc đưa Tổng thống Nga Vladimir Putin quay trở lại nhóm mà không có bất kỳ điều kiện gì sẽ là “hành động phản tác dụng, là dấu hiệu của sự yếu đuối".

"EU vẫn giữ quan điểm mạnh mẽ về lý do Nga bị loại ra khỏi G8 hồi năm 2014 và lý do đó vẫn còn giá trị như cách đây 5 năm. Vì thế, EU sẽ chống lại ý tưởng mời Nga quay trở lại nhóm G7", vị quan chức của EU nhấn mạnh.

Đề xuất của Tổng thống Trump và phản ứng của EU đều gây bất ngờ bởi lâu nay Mỹ vẫn được coi là có lập trường cứng rắn hơn EU trong cuộc khủng hoảng với Nga.

Mỹ và EU cùng thực hiện chính sách trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine.

Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, không ít các nước thành viên của Liên minh Châu Âu có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt. Trong khi đó, Mỹ vẫn tỏ ra quyết tâm duy trì chính sách trừng phạt.

Với động thái mới nhất của ông Trump và EU, có vẻ như tình hình đang có thay đổi. Trong khi Mỹ muốn xuống nước với Nga thì EU lại muốn tiếp tục gây sức ép với Moscow.

Về phần Ukraine, nước này đương nhiên muốn các đồng minh tiếp tục bao vây, cô lập và trừng phạt Nga bởi giữa Kiev và Moscow đang tồn tại mối quan hệ căng thẳng, coi nhau như kẻ thù.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại