Nga hy vọng chốt hai thỏa thuận mua bán quốc phòng quy mô lớn với Ấn Độ vào cuối năm nay. Trong đó, hoạt động chuyển giao các hệ thống phòng không S-400 của Nga cho Ấn Độ có thể diễn ra trong năm 2020. Trước đó, Ấn Độ đã từ chối yêu cầu của Mỹ về việc hủy hợp đồng mua bán S-400 với Nga.
Đối với S-400, chúng tôi đã chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng để ký kết hợp đồng. Ngay cả các vấn đề kỹ thuật và thương mại cũng đã được hai bên đồng thuận, do đó, việc ký kết sẽ sớm diễn ra. Chúng tôi hy vọng sẽ ký được cả 2 hợp đồng với đối tác Ấn Độ vào cuối năm nay”, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật - Quân sự Liên bang Nga (FSMTC), ông Dmitry Shugaev chia sẻ với RIA Novosti.
Ngoài hệ thống S-400, Ấn Độ cũng sẽ mua thêm 3 tàu hộ vệ Project 11356 lớp Talwar để phục vụ chương trình hiện đại hóa quân đội.
Ông Shugaev cho biết vì xem Ấn Độ như là một “đối tác chiến lược”, Nga đã đáp ứng lời đề nghị hạ giá bán 5 tổ hợp S-400 Triumf cho Ấn Độ. Trước đó, giá bán 5 hệ thống S-400 Triumf được cho là 6,5 tỷ USD.
“Ấn Độ là đối tác chiến lược của chúng tôi, do đó chúng tôi sẽ cân nhắc những mong mỏi của đối tác bao gồm cả việc hạ giá bán. Ấn Độ có thể tiếp nhận hệ thống S-400 đầu tiên vào năm 2020 nếu như hợp đồng mua bán được ký kết vào cuối năm nay”, ông Shugaev nói.
Trong khi New Delhi quyết tâm mua 5 tổ hợp S-400 của Nga thì Mỹ lại lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Không loại trừ khả năng, chiểu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA), Ấn Độ sẽ phải nhận lệnh trừng phạt vì vi phạm những điều khoản cấm vận mà trước đó Washington đã áp đặt với Moscow.
CAATSA của Mỹ được cho là văn bản nhằm ngăn chặn các quốc gia khác mua vũ khí của Nga.
Ngoài Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang chịu sức ép lớn từ phía Mỹ khi theo đuổi mua hệ thống phòng không tối tân của Nga. Thậm chí, Mỹ còn đe dọa ngừng cấp tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara vẫn quyết mua bằng được S-400.
S-400 Triumf hiện được xem là hệ thống phòng không tối tân nhất của Nga. Hệ thống này có thể bắn hạ tên lửa và máy bay đối phương ở khoảng cách 400 km và đối với các tên lửa đạn đạo là 60 km.
Mỗi hệ thống S-400 có thể sử dụng ít nhất 4 loại tên lửa đánh chặn khác nhau và tấn công nhiều loại mục tiêu. Theo đó, một tổ hợp S-400 có thể đánh chặn 36 mục tiêu cùng một lúc.