Nga: 200 quả Тоmahawk thổi bay cả căn cứ Nga và Assad

Lê Hùng - Nguyễn Hoàng |

Chúng ta đã nghe nhiều ý kiến của các nhà phân tích về vụ tên lửa hành trình Mỹ “Tomahawk” tấn công căn cứ không quân Shayrat của Quân đội Syria.

Để có thông tin đa chiều, đa khía cạnh về sự kiện này, xin giới thiệu nguyên văn bài phỏng vấn hai chuyên gia quân sự Nga có uy tín (và am hiểu) trong lĩnh vực này.

Bài được đăng trên "Svobodnaia Pressa.ru" ("SP" Nga ) ngày 8/4/2017. Chúng tôi có mở ngoặc đôi chỗ để làm rõ ý.

Thế giới đang tranh luận sối nổi, đa chiều về kết quả đòn tấn công tên lửa của Hải quân Mỹ vào căn cứ quân sự Syria Shayrat. Sau khi khói từ những vụ nổ của mấy chục tên lửa "Тоmahawk" vừa tan, bắt đầu xuất hiện rất nhiều câu hỏi đáng quan tâm. Trước hết: đó là cái gì?

Nếu như người Mỹ đặt mục tiêu trừng phạt Tổng thống Bashar Assad, thế thì tại sao lại không bắn, lấy ví dụ, vào dinh Tổng thống của ông ta, mà lại bắn vào một sân bay quân sự ở tỉnh lẻ?

Tại sao chiến dịch này chỉ mang tính chất hạn chế như vậy: vẻn vẹn có mấy chục quả "Tomahawk"? Trong mấy thập kỷ trở lại đây thì trong các chiến dịch tương tự, Mỹ không chỉ đã phá hủy cơ sở hạ tầng quân sự, mà còn cả cơ sở hạ tầng hành chính và kinh tế của đối phương. Và chỉ sau đó (phá hủy các cơ sở hạ tầng trên), Mỹ mới đưa bộ binh vào.

Tại sao kết quả đòn tấn công lại "khiêm tốn" đến như vậy - chỉ đốt được tổng cộng 6 chiếc máy bay Syria "già nua" và giết được vài quân nhân và dân thường Syria?

Chiến tranh Syria giờ đã chuyển theo hướng nào? Bởi vì Tổng thống Mỹ (D.Trump), trong toàn bộ chiến dịch tranh cử trước đây luôn nhấn mạnh là không có cái ác nào tồi tệ hơn chủ nghĩa khủng bố quốc tế, thế mà trên thực tế từ thứ sáu (7/4) (ông ta) đã đứng chung một chiến hào với IS.

Bởi vì (chính ông) đã ra lệnh giết những người nhiều năm liền chiến đấu với những kẻ cuồng tín để râu này. Liệu ông ta (tổng thống Mỹ) sẽ còn đứng trong chiến hào đó nữa hay không?

Và câu hỏi cuối cùng, Assad có thể lấy gì để đáp trả hành động xâm lược của Mỹ? Hay là nhẫn nhục chờ đợi một kết cục bi thảm như Muammar Gaddafi và Saddam Hutsein, hay là có thể đáp trả Trump dù chỉ bằng một trận đánh nào đó? Và Nga sẽ hành xử như thế nào trong tình huống này?

Chỉ hạn chế ở việc đưa ra các tuyên bố chính trị đao to búa lớn hay sẽ quyết định bắn hạ các máy bay Mỹ trên không phận Syria? Nhưng nếu như thế thì lúc đó thế giới sẽ thấy cuộc khủng hoảng Caribe (khủng hoảng tên lửa Caribe) cũng chỉ như một cuộc tập kịch buổi sáng vô hại trong một vườn trẻ nào đấy.

Chúng tôi đã tìm kiếm lời đáp cho những câu hỏi này ở các chuyên gia quân sự có uy tín. Và đây là bản ghi âm những cuộc trao đổi đó.

Nga: 200 quả Тоmahawk thổi bay cả căn cứ Nga và Assad - Ảnh 1.

Phóng tên lửa "Tomahawk" tấn công mục tiêu trên mặt đất (Ảnh: defense.gov)

Vị khách mời đầu tiên - Cựu Tư lệnh Bộ đội tên lửa phòng không Không quân Nga, Trung tướng Aleksandr Gorkov:

"SP" - Aleksandr Iurievich (cách xưng hô trang trọng), ông có ngạc nhiên trước sự bất lực của Phòng không Syria, một lực lượng được thành lập với sự giúp đỡ của chúng ta (Liên Xô - Nga) và luôn được coi là một trong những lực lượng (phòng không) mạnh nhất ở khu vực Trung Đông không?

Ông có ngạc nhiên trước việc họ đã không thể đánh trả đòn tấn công của "Tomahawk" từ tàu khu trục Mỹ rạng sáng thứ sáu (7/4) và trước việc người Syria đã không thể đánh trả, thậm chí còn không tìm cách đối phó với hàng loạt các cuộc không kích của người Israel vào lãnh thổ của mình không? 

Trong mọi trường hợp, thì những kẻ tấn công cũng đã gần như không bị hề hấn gì. Tại sao?

Aleksandr Gorkov - Đối với tôi đấy quả cũng là một câu hỏi lớn. Quả thực nước này (Syria) có rất nhiều phương tiện phòng không, nhưng không hề có một thông tin nào về kết quả hoạt động tác chiến của các phương tiện đó.

Tôi cho rằng, phần lớn các hệ thống (phòng không) đó chắc là đã từ lâu đã không còn thể sử dụng được. Thêm vào đó, chắc chắn là đã không còn đội ngũ chuyên gia sử dụng những phương tiện này nữa.

SP: - Họ bỏ chạy hết à?

Aleksandr Gorkov - Không, đơn giản là họ ra đi vì tuổi tác thôi. Vì điều kiện chiến tranh kéo dài nhiều năm nên Syria đã không đào tạo các khẩu đội (phòng không) mới cho đến đầu đến đũa.

Tôi tin chắc khi nói ra điều đó vì nếu có đào tạo thì chắc chắn chúng ta (Nga) đã tham gia rồi, - tại Syria, vũ khí chủ yếu là do Liên Xô và Nga sản xuất. Nhưng đã từ lâu chưa có ai từ Syria đến Nga (để huấn luyện).

Tôi còn nhớ là lần cuối cùng các khẩu đội của hệ thống phòng không S-200 (Syria) đến trường bắn Telembra ở Ngoại Baikal của Nga vào khoảng năm 2010. Họ đã tập bắn, huấn luyện tại đó một thời gian. Từ đó đến giờ - tuyệt không có động tĩnh gì nữa.

Còn bây giờ, có lẽ, do hiểu được sự yếu kém đó của người Syria, chúng ta đã cung cấp cho họ những loại vũ khí hiện đại hơn và hiệu quả hơn.

SP : - Chính xác thì đó là loại (vũ khí) nào? Có phải ý ông muốn nói tới tổ hợp S-300 mà chúng ta đã ký thỏa thuận cung cấp cho họ mấy năm trước đây và đã bị Israel phản ứng gay gắt? Mùa hè năm 2012, chúng tôi còn nhớ, chúng ta đã ngừng việc thực hiện hợp đồng.

Aleksandr Gorkov - Chúng ta hãy cùng nhau im lặng về việc những phương tiện phòng không nào đã được chuyển đến Syria. Tự bạn cũng biết đấy - tại đó đang có chiến tranh.

SP: - Nhưng dù chúng ta có cung cấp cho Damascus loại vũ khí gì đi nữa, điều đó cũng không loại bỏ được cảm giác về việc không phận Syria hoàn toàn không được bảo vệ.

Aleksandr Gorkov - Tôi cũng có cảm giác đó.

SP: - Thế thì liệu có một hy vọng nào dù là rất nhỏ là người Syria ít nhất trong tương lai cũng có thể gây một tổn thất nghiêm trọng nào đó cho người Mỹ trên không phận nước mình không?

Aleksandr Gorkov - Tôi không sẵn sàng trả lời câu hỏi này. Bạn còn nhớ không, vào năm 1982, trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Li Băng, Không quân Israel đã gây tổn thất nặng cho cụm quân phòng không lớn của Syria ở thung lũng Bekaa.

Những phân tích cho thấy, một trong số những nguyên nhân dẫn đến tổn thất khủng khiếp như vậy là do những sai lầm trong tổ chức chỉ huy điều khiển tập trung các phương tiện phòng không khi đánh trả các đợt tấn công đường không ồ ạt của Israel.

Việc tổ chức chỉ huy tập trung hệ thống phòng không hiện nay ở Syria như thế nào? Tôi không biết. Nhưng, như bạn thấy đấy, thậm chí cả trong trường hợp (có) sở hữu loại vũ khí hiện đại nhất (thì điều đó) cũng chưa phải là những đảm bảo chắc chắn cho thành công trong công việc của chúng ta (chiến đấu).

Vị khách mời tiếp theo - Viện sỹ Viện Hàn lâm tên lửa và pháo binh Nga, Đại tá hải quân Konstantin Sivkov, Tiến sỹ khoa học quân sự.

SP: - Konstantin Valentinovic, có phải (D) Trump chỉ tiến hành một đòn tấn công riêng rẽ vào căn cứ không quân Syria hay không? Hay đó chỉ là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện tiếp theo với mục tiêu chính là loại bỏ Assad ? Tước quyền lực của Assad hay thậm chí là tước mạng sống của ông ta?

Konstantin Sivkov - (Mỹ) có tiếp tục (các đòn tấn công tên lửa) nữa hay không - phụ thuộc hoàn toàn vào phản ứng đáp trả của Nga và cán cân lực lượng mới trong giới lãnh đạo Mỹ. Nhưng trước hết chúng ta hãy rút ra một số kết luận từ đòn tấn công vào căn cứ không quân Shayrat.

Thứ nhất: hoàn toàn rõ ràng là, đòn tấn công của "Tomahawk" từ các tàu khu trục tuyệt đối không được chuẩn bị từ trước. Trên thực tế, các tên lửa có cánh "Tomahawk" - một loại vũ khí cực kỳ hiện đại.

Trong các điều kiện bình thường thì hiệu suất tác chiến của chúng hết sức cao - 0,8 đến 0,95. Nhưng chúng ta đã thấy gì ở Shayrat? Hiệu suất tác chiến chỉ không hơn 0,35.

Các mục tiêu chủ yếu của căn cứ không bị phá hủy. Đường băng cất  hạ cánh còn nguyên và các kho đạn dược không hề bị tổn hại. Chỉ phá hủy được 6 máy bay.

Có nghĩa là kết quả quá kém.

Tổn thất của đối phương (Syria, tính bằng tiền) chỉ bằng 1/3 so với giá của những vũ khí (tên lửa mà Mỹ) đã sử dụng.

Hơn thế nữa. Một phần tên lửa nói chung là không đánh trúng mục tiêu, mà rơi vào điểm dân cư lân cận. Việc dân thường bị thiệt mạng đã nói lên điều đó. Phải thấy rõ là những công dân Syria (dân thường bị thiệt mạng) đó không thể là các nhân viên trên sân bay được. Đòn tấn công thực hiện vào lúc gần 4 giờ sáng.

Thường dân nào có thể làm việc vào thời gian đó (trên sân bay)?

Tôi cho rằng, vấn đề hoàn toàn nằm ở chỗ là chiến dịch đã được chuẩn bị rất hấp tấp. Nó (chiến dịch) chắc chắn cũng là một bất ngờ ngay cả đối với Bộ tư lệnh Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ. Các thủy thủ Mỹ đã không có đủ thời gian để chuẩn bị vũ khí (tên lửa).

Bởi vì trước khi phóng cần phải cài đặt các dữ liệu vào tên lửa đó như nhiệm vụ bay, chân dung điện tử của địa hình và... Căn cứ vào kết quả (vụ tấn công) thì mọi việc có vẻ như chỉ cốt làm cho xong. Và tôi tin chắc rằng, Washington đã hối thúc họ (Hải quân Mỹ) phải thực hiện chiến dịch. Vì sao ư?

Tôi nghĩ rằng, D. Trump rất muốn tận dụng hết và củng cố hiệu ứng từ việc có kẻ nào đó đã sử dụng vũ khí hóa học ở Syria. Trong khi thế giới còn chưa kịp định thần để hiểu trên thực tế chuyện gì đã xảy ra ở đó (Syria) và ai là kẻ đã sử dụng vũ khí hóa học.

Bạn hãy để ý đến một chi tiết: lần này những kẻ tội phạm đã sử dụng Clo thông thường. Nó (Clo) không phải là chất độc tác chiến, chính vì thế mà (nó) đang, đã,và sẽ không bao giờ hiện diện trong trang bị của Quân đội Syria.

Trong khi đó thì Clo có mặt đầy rẫy trong sinh hoạt, thậm chí người ta còn dùng cả Clo trong quá trình xử lý nước uống thông thường.

Và như vậy, việc các chiến binh (khủng bố) sở hữu Clo - đó là chuyện dễ như trở bàn tay. Cần phải làm cho cộng đồng quốc tế hiểu được chuyện này. Đòn tấn công tên lửa vội vàng vào căn cứ không quân Shayrat (chắc là) để đánh lạc hướng chú ý khỏi những sự không trùng khớp như trên.

Cái gì đứng đằng sau quyết định chính trị trên của Tổng thống Mỹ?

Đó hoặc là một hành động ở mức độ nóng vội tối đa hoặc là một hành động cực kỳ bột phát của con người không tự bắt mình phải tính toán đến những hậu quả.

Từ đó có thể rút ra kết luận - và để chúng ta quay trở lại câu hỏi (ban đầu) của bạn: rất khó, thậm chí là không thể dự báo được những hành động tiếp theo của D. Trump tại Syria. Chỉ có một phản ứng chính xác và nhất quán của Nga mới có thể buộc được ông ta (D.Trump) phải dừng bước.

Có khả năng buộc được D. Trump phải lui bước. Nhưng phản ứng của chúng ta (Nga) phải cương quyết, dứt khoát và nhất quán. Không phải chỉ là các tuyên bố trống rỗng, mà phải là các bước đi thực tế được tính toán kỹ lưỡng. Những bước đi đầu tiên, chúng ta đã làm.

Matxcova cảnh báo từ nay sẽ rút ra khỏi thỏa thuận về ngăn ngừa sự cố giữa các phi công chúng ta (Nga) và phi công Mỹ trên không phận Syria.

Dịch ra tiếng Nga thì (tuyên bố trên) có nghĩa là: từ giờ phút này chúng ta tự cho mình hoàn toàn có quyền và sẽ bắn hạ bất cứ một phương tiện bay nào của Mỹ trên bầu trời nước này (Syria).

Thứ hai - cần phải làm cho họ (người Mỹ) hiểu một cách rất rõ ràng là, nếu như thế vẫn chưa đủ, chúng ta sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mỹ. Không nhất thiết phải nói huỵch toẹt ra điều đó. Có thể rút ra khỏi các thỏa thuận quốc tế khác đang trói tay chúng ta. Lúc đó thì ngay đến cả Trump cũng sẽ phải cân nhắc kỹ.

SP: - Nhưng như vậy thì đã là ngày tận thế? Có cách nào buộc Trump phải dừng lại đơn giản hơn không? Lấy ví dụ, liệu Assad với lực lượng của mình có thể gây ra những tổn thất nặng buộc người Mỹ phải rút lui hay không?

Chính xác thì Assad đã không còn gì để mất. Những cảnh quay trên truyền hình ghi lại hình ảnh Saddam Hutsein với chiếc thòng lọng người Mỹ quàng lên cổ, chắc chắn đã được nhà lãnh đạo Syria này xem qua.

Konstantin Sivkov - Assad tuyệt đối không có những khả năng như vậy.

SP: - Như vậy là ông ấy và chúng ta không thể không đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân?

- Không thể. Hiện nay người Mỹ duy trì gần Syria 2 tàu sân bay. Có thể điều đến đây thêm 2 chiếc nữa. Cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Arab Saudi và Israel, họ có thể thành lập một cụm (tàu sân bay) với khoảng 500 máy bay.

Kể cả căn cứ không quân của chúng ta ở Khmeimim, kể cả Quân đội Syria cũng không thể nào có đủ lực lượng để đánh trả một đòn tấn công chung ồ ạt của các nước đó được.

Để đảm bảo chắn chắn phá hủy căn cứ không quân Nga (ở Khmeimim), thậm chí (Mỹ) cũng không cần phải sử dụng đến máy bay. Vội vàng đến thế mà họ cũng đã phóng tới khoảng 60 quả tên lửa có cánh vào Shayrat.

Đối với người Mỹ, tấn công Khmeimim bằng 200 quả "Tomahawk" là một việc quá dễ dàng.

Chúng ta không có gì để đánh trả một đòn tấn công như vậy. Vì thế chỉ còn mỗi một luận chứng cuối cùng - vũ khí hạt nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại