Trong quá khứ, Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng xem xét tấn công nhà máy hạt nhân Yongbyon, khi đó là nơi điều chế chất phóng xạ plutonium duy nhất của Triều Tiên để buộc nước này ngừng phát triển vũ khí hạt nhân. Giờ đây, nếu Mỹ thực sự có ý định tấn công quân sự vào Triều Tiên, họ sẽ phải tấn công vào những mục tiêu quan trọng dưới đây.
Khu vực thử nghiệm Punggye-ri
Tất cả 5 cuộc thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Triều Tiên đều diễn ra tại khu vực này. Các đầu đạn được cho nổ ban đầu là loại có sức công phá nhỏ, song về sau khả năng của chúng ngày được nâng cao. Hai đầu đạn trong hai cuộc thử nghiệm năm 2016 đều được cho là có sức công phá 15 – 20 kiloton, tương đương quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima.
Hoạt động tại khu vực thử nghiệm này rất rõ ràng. Bất kỳ các chuyên gia và giám sát viên đối với tình hình Triều Tiên có thể dựa trên các bức ảnh chụp vệ tinh của khu vực này để xác định xem liệu Triều Tiên có ý định tiến hành thử nghiệm hạt nhân hay không. Nếu Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, gần như chắc chắn khu vực Punggye-ri sẽ là nơi hoạt động này diễn ra.
Được thiết kế để kiềm chế một vụ nổ hạt nhân, Punggye-ri được cho là có thể chịu được sức nổ lên đến 200 kiloton. Vì sự chắc chăn của nó, việc không kích vào khu vực này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn ngay cả khi Mỹ dùng các loại bom hiện đại nhất.
Nhà máy tên lửa Chanjin
Nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng chỉ vài km, nhà máy Chanjin (còn có tên gọi khác là Nhà máy Cơ khí Taesong) là cơ sở sản xuất các linh kiện tên lửa đạn đạo chính của Triều Tiên, trong đó có các hệ thống định vị mục tiêu và định hướng. Đây cũng được cho là nơi bức ảnh lãnh đạo Kim Jong-un xem xét một vật thể hình tròn được cho là một quả bom nguyên tử do Triều Tiên sản xuất.
Nhà máy này cũng có các thiết bị cho phép thử nghiệm hoạt động của các linh kiện tên lửa. Nhiều người cho rằng đây là nơi một cuộc thử nghiệm đường bay của tên lửa Triều Tiên được thực hiện vào năm 2016.
Trạm phóng vệ tinh Sohae
Cơ sở này nằm tại một vị trí ở vùng Tây Bắc Triều Tiên, cách biên giới Trung Quốc không xa và là nơi các tên lửa tầm xa được phóng thử nghiệm. Với vị trí này, tên lửa thử nghiệm của Triều Tiên sẽ không bay qua lãnh thổ Nhật Bản trước khi đâm xuống Thái Bình Dương.
Cuộc phóng thử nghiệm tên lửa tầm xa đầu tiên tại trạm Sohae là vào năm 2012 nhưng thất bại. Tuy nhiên hai lần phóng sau đó diễn ra vào cuối năm 2012 và 2016 đã thành công trong việc đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Tên lửa Unha, phương tiện chính được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm, thường không được coi là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Song phương Tây vẫn tỏ ra lo ngại bởi nó có thể bay một quãng đường 6.000km và có thể được cải tạo khi cần.
Quần thể công nghiệp quân sự Kusong
Nằm ở phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng và cách nhà máy hạt nhân Yongbyon 30km, Kusong là một quần thể công nghiệp quân sự quan trọng với rất nhiều nhà máy sản xuất đạn dược. Đây là nơi các cuộc thử nghiệm đạn nổ diễn ra trong nhiều năm trước khi cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên được diễn ra.
Kusong có rất nhiều loại máy móc chuyên dùng để kiểm tra khả năng của các loại đầu đạn khác nhau. Gần đây, khu vực này cũng được thường xuyên sử dụng để thử nghiệm tên lửa đạn đạo.
Căn cứ Hải quân Sinpo
Đây là căn cứ hải quân và là xưởng đóng tàu lớn nhất của Triều Tiên. Sinpo không phải là một căn cứ hải quân đơn thuần, nó là nơi Triều Tiên đang phát triển một loại tên lửa phóng từ tàu ngầm. Được biết, tàu ngầm Triều Tiên sẽ được lắp đặt hai ống phóng tên lửa trên tháp điều khiển thay vì ở đằng sau giống như phần lớn các tàu phóng tên lửa khác.
Năm 2016, Bình Nhưỡng đã phóng thử nghiệm thành công một loại tên lửa từ tàu ngầm. Nếu tiếp tục được phát triển, Triều Tiên sẽ sớm có một loại vũ khí lợi hại mới.
Khu vực Musadan-ri
Đây là nơi phóng thử tên lửa tầm xa chính ở phía Đông Triều Tiên. Musadan-ri được liên tục sử dụng để thử nghiệm các phiên bản tên lửa Scud do Triều Tiên nghiên cứu chế tạo. Năm 1998, nước này đã phóng tên lửa tầm xa đầu tiên dùng để đưa tên lửa vào quỹ đạo. Tên lửa Musadan của Triều Tiên được lấy từ tên của khu vực này.
Về sau này, các cuộc thử nghiệm tên lửa đã được thực hiện ở các khu vực phía Tây, qua đó cho phép Triều Tiên có thể dễ dàng kiểm tra đường bay của các tên lửa hơn.
Nhà máy hạt nhân Yongbyon
Nhà máy Yongbyon, tên gọi đầy đủ là Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Hạt nhân Yongbyon, nằm ở phía Bắc thủ đô Binh Nhưỡng và là địa điểm nổi tiếng nhất của Triều Tiên khi nói về các chương trình hạt nhân của nước này. Tầm quan trọng của nó lớn đến mức trước đây, chính phủ Mỹ có ý định không kích vào cơ sở này năm 1994, song sau đó Triều Tiên và Mỹ đạt được một thỏa thuận ngoại giao.
Đây được cho là nơi plutonium được điều chế ở Triều Tiên. Yongbyon cũng có các cơ sở làm giàu uranium với khoảng 2000 máy ly tâm các loại. Các chất này đều được dùng để phát triển các loại vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Nhà máy Pyongsan
Đối với Mỹ, đây không phải là mục tiêu ưu tiên hàng đầu, song vai trò của nó cũng rất quan trọng. Pyongsan là nơi khai thác và chế biến sơ cấp quặng uranium, thành phẩm của quá trình này sẽ được chuyển sang các cơ sở làm giàu uranium để chế tạo vũ khí.
Bên cạnh các cơ sở sản xuất vũ khí hạt nhân và tên lửa, các căn cứ không quân của Triều Tiên cũng là những mục tiêu đáng chú ý. Hiện Triều Tiên có khoảng 1.300 máy bay quân sự, phần lớn trong số đó đều đã có từ thời Chiến tranh Triều Tiên cách đây hơn 60 năm, song nước này cũng có các phi cơ hiện đại hơn như MiG-23, MiG-29 và Su-25.