Trong báo cáo đánh giá tác động Luật đơn vị hành chính - kinh tế của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, việc xây dựng khung cơ chế chính sách với các ưu đãi vượt trội cho các mô hình đặc khu sẽ đóng góp cu thể vào tăng trưởng kinh tế của vùng và cả nước.
Theo các đánh giá của Bộ, sau giai đoạn 2020, khu hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc có thể mang lại nguồn thu 3,3 tỷ USD từ thuế, phí, đất cho Ngân sách Nhà nước. Các doanh nghiệp có thể tạo ra giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2030, đưa phần đóng góp của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030.
Mức thu nhập bình quân đầu người của người dân Phú Quốc, theo tính toán, sẽ đạt khoảng 5.300 USD năm 2020 và 13.000 USD năm 2030, tức là gấp 6 lần trung bình cả nước năm 2016.
Các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt khác như Bắc Vân Phong, Vân Đồn cũng được đánh giá sẽ có đóng góp lớn cho Ngân sách, thay đổi mạnh mẽ và bứt phá về thu nhập bình quân đầu người sau năm 2020.
Cụ thể, mức thu từ thuế, phí, đất của 2 khu vực này dao động 1-1,9 tỷ USD, đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 6% đến 7,7%, trong khi thu nhập trung bình của người dân có thể đạt mức 9.500 - 12.500 USD.
Các tác động tích cực về xã hội là tăng thêm việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động. Lượng việc làm mới mà Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc có thể đạt hơn 250.000, với lương trung bình đạt trên 9.000 USD/năm, tức 750 USD/người/tháng.