Gia đình chính là nơi ấm áp nhất, là chốn dừng chân của mỗi người sau một ngày dài làm việc vất vả, mệt nhọc. Đây cũng là nơi những đứa trẻ được học những bài học đầu đời, là nơi quyết định trẻ lớn lên sẽ có nhân cách, thái độ sống ra sao.
Tuy nhiên không phải lúc nào gia đình cũng yên ấm. Sẽ có những lúc, gia đình gặp trục trặc và các thành viên trong gia đình cần nhận ra dấu hiệu từ sớm để từ đó điều chỉnh, tránh cho mối quan hệ cha mẹ - con cái, anh chị em rạn nứt. Theo các chuyên gia giáo dục nếu một gia đình có 3 dấu hiệu sau thì chứng tỏ mối quan hệ cha mẹ - con cái đang rạn nứt, việc dạy dỗ con cái gặp phải vấn đề. Cụ thể như sau:
1. Đổ lỗi cho nhau mỗi khi có vấn đề phát sinh
Sự gắn bó giữa cha mẹ và con cái có thể nhìn thấy rõ ràng mỗi khi khó khăn ập đến. Nhiều khi cha mẹ yêu thương, quan tâm con nhưng lại dùng sai cách diễn đạt. Chúng ta lo lắng nhưng lại quát mắng, trách cứ con. Con cái vì bức xúc hoặc sợ hãi nên cũng tìm cách thoái thác trách nhiệm.
Theo thời gian, một quy luật "quán tính" sẽ hình thành: Khi có chuyện gì xảy ra, các thành viên sẽ bắt đầu đổ lỗi cho nhau. Mỗi lời buộc tội giống như một chiếc đinh đóng vào lòng cha mẹ, con cái và khiến trái tim thủng lỗ chỗ.
Ảnh minh họa
Triết gia người Hy Lạp Democritus từng viết: "Sự oán giận giữa những người thân trong gia đình còn đáng xấu hổ hơn nhiều so với sự oán giận đối với người ngoài". Một gia đình dù đã ở bên nhau rất lâu nhưng không thể tránh khỏi những thăng trầm. Nhưng nếu chỉ có những lời buộc tội lẫn nhau, không có sự bao dung và thấu hiểu thì không khí trong nhà sẽ trở nên rất tồi tệ, dễ nảy sinh những vấn đề lớn hơn.
Trong quá trình trách móc nhau, cha mẹ cảm thấy mình đã hy sinh tất cả vì con mà không được thấu hiểu. Họ đau lòng tột đột. Còn con cái cảm thấy mình không được cha mẹ công nhận, nảy sinh tâm lý chán nản. Khi cha mẹ và con cái gặp vấn đề, họ không thể đặt mình vào vị trí của nhau, không thể giao tiếp tốt để giải quyết vấn đề. Họ chỉ đổ lỗi và đẩy nhau ra xa hơn.
2. Luôn cãi vã, cố tranh thắng thua
Việc tranh luận trong gia đình là cần thiết. Hãy bày tỏ suy nghĩ của mình, cho các thành viên khác biết vì sao bạn buồn, đâu là ranh giới của bạn. Những cuộc tranh luận như này sẽ đóng vai trò tích cực trong việc các thành viên quản lý tốt cảm xúc cá nhân.
Tuy nhiên tranh luận là để đối phương biết cảm xúc, biết ý kiến, suy nghĩ của mình và cùng nhau cư xử tốt đẹp hơn, chứ không nhằm mục đích tranh giành thắng thua, hạ bệ nhau.
Nếu cha mẹ và con cái nhất quyết phải phân thắng thua trong một cuộc cãi vã, cố gắng hạ bệ đối phương thì sẽ khiến gia đình tan vỡ trong một ngày không xa!
Là cha mẹ, đừng cố gắng kiểm soát suy nghĩ của con, chứ đừng nói đến việc ỷ vào địa vị của mình cao hơn để bắt con phải tuân theo răm rắp. Trong một gia đình, thật khó để phân biệt đúng sai, và cũng không có ai đúng cả. Về phía con cái, cũng đừng lúc nào cũng mù quáng đòi bố mẹ trả tiền hoặc đưa ra những yêu cầu quá mức đối với bố mẹ.
Cha mẹ và con cái cần biết cách hạ cái tôi xuống, tìm kiếm điểm chung để sống hòa hợp, yêu thương, gắn bó với nhau.
3. Chỉ chăm chăm tính toán tài sản
Tính toán tài sản có thể mang lại lợi ích cho mọi người nhưng một khi quá trình tính toán bắt đầu, tài sản cũng sẽ nhanh chóng bị tiêu hao, đồng thời làm tổn hại đến các mối quan hệ trong gia đình. Từng có một bộ phim nổi tiếng của Trung Quốc, khắc họa câu chuyện về một đại gia đình giàu có. Bề ngoài gia đình này trông rất hạnh phúc nhưng sâu bên trong mỗi người đều có những tính toán riêng về tài sản, sao cho phần lợi thuộc về mình nhiều nhất. Kết quả đến cuối phim, gia đình kéo nhau ra tòa, mối quan hệ không thể trở lại như xưa.
Thực tế, nếu một gia đình chỉ có toan tính tài sản, hận thù, ganh đua trong lòng, không có tình yêu thương, sự thấu hiểu và quan tâm lẫn nhau thì gia đình đó không thể tồn tại được.