“Nếu ba năm không hiệu quả, tôi sẽ nhận kỷ luật”

Uyên Phương |

Theo Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM, sau 3 năm ngồi 'ghế nóng' thí điểm quản lý an toàn thực phẩm của TP nếu không hiệu quả thì sẽ chịu kỷ luật.

Sáng 6/3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã trao quyết định điều động, bổ nhiệm – nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Phạm Khánh Phong Lan làm Trưởng Ban quản lý ATTP TPHCM.

Đây là nơi đầu tiên của cả nước được thành lập thí điểm mô hình này.

Trao đổi bên lề với báo chí, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định: “Vấn đề ATTP quản lý như thế nào để đảm bảo bữa ăn cho người dân là vấn đề rất nóng và khó.

Tuy nhiên, khi tôi nhận nhiệm vụ, tôi phải suy nghĩ mình có làm được hay không thì mới nhận. Sau ba năm thí điểm nếu không hiệu quả thì tôi sẽ chịu kỷ luật”.

Theo bà Phong Lan, TP cần phải tổ chức lại bộ máy thanh tra, vĩnh biệt đi mô hình theo kiểu cứ thanh tra liên ngành.

“Bây giờ không có liên ngành gì cả, bản thân Ban chúng tôi đã là liên ngành rồi nên những tin tức, mật báo, những thông tin nắm được từ nhân dân cùng với kế hoạch định kỳ khi cần là thanh tra ngay, xử lý ngay.

Chúng tôi hy vọng là sẽ có 1 hệ thống thanh tra về ATTP riêng cho TP với đủ các mặt, xuống đến tận các cơ sở của từng quận huyện, sẽ tổ chức mô hình liên quận, từng quận với đội ngũ thanh tra thường trực.

Trong một năm phải bảo đảm không có những vi phạm ATTP trên địa bàn. Sẽ có chế độ kiểm tra chéo, kiểm tra đuổi để tránh hiện tượng tiêu cực xảy ra” – bà nói.

Theo bà Lan, việc cần làm ngay là tập trung vào tổ chức mô hình thanh tra; triển khai các quy định về ATTP của TP bởi có nhiều quy định chồng chéo nhau.

Trước đây là mỗi sở sẽ thực thi theo từng quy định của bộ đó, nhưng giờ nhập lại hết thì sẽ rà soát lại, sẽ linh động để làm sao thực tế áp dụng được.

Ví dụ như kiểm tra nhanh sẽ có tác dụng sàng lọc rất tốt, ở các chợ biên giới, khi mẫu rau quả về thử nghiệm 7 ngày sau mới có kết quả thì đã bị tẩu tán hết rồi nên rất cần kiểm tra nhanh để có thể sàng lọc.

Nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa áp dụng rộng rãi được vì Bộ Y tế vẫn chưa đưa vào danh mục kiểm tra nhanh. Chúng ta vẫn khắc phục điều này.

'Ngồi chờ từng Sở, xin ý kiến của từng Bộ thì đến khi nào? ở đây, Ban sẽ chịu trách nhiệm trước UBND, sẽ tham mưu cho UBND trả lời cho HĐND.

Người dân nếu có bất kỳ tin tức gì hay phản hồi gì về thực phẩm thì có nơi liên hệ, doanh nghiệp cũng chỉ cần liên hệ với một đầu mối', bà Lan nói.

Khi được hỏi về áp lực khi ngồi trên chiếc “ghế nóng” này, Trưởng ban Quản lý ATTP TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn: “Lực lượng thì có rồi, chúng tôi không được giao thêm biên chế. Tôi cũng không muốn tăng biên chế .

Chúng tôi sẽ tinh giảm bộ máy làm sao cho hiệu quả để cùng nhau làm, còn hơn là đông đúc mà mỗi người làm một kiểu, không tập trung được sức mạnh.

Tôi được quyền đề xuất các phó ban, đây là việc chưa từng có đối với các mô hình sở ngành. Cho nên trong đoàn kết đội ngũ xây dựng, tôi nghĩ sẽ rất tốt. Vấn đề ATTP đã trở thành “báo động đỏ” rồi, nên chúng tôi phải bắt tay làm ngay”.

Bà Phong Lan cho biết thêm, Đề án này xây dựng gần cả năm mới được thủ tướng chính phủ chấp nhận, và cho TPHCM ba năm để thí điểm. Sau ba năm phải có kết quả cụ thể.

Nếu tốt thì sẽ phát huy, nếu chưa tốt sẽ tìm xem nhược điểm ở đâu để khắc phục. Trước mắt, ban sẽ tập trung hoàn thiện các mô hình như chợ thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc…

Hiện, Sở Y tế TPHCM đã bàn giao nguyên vẹn Chi cục VSATTP; Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, thực phẩm, mỹ phẩm… về Ban Quản lý ATTP.

Dự kiến ngày 11/3 tới đây, Ban Quản lý ATTP TP.HCM sẽ ra mắt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại