Ảnh: Picture alliance
Tập trận dồn dập
Từ tháng 5, NATO dồn dập tổ chức các cuộc tập trận lớn. Cuộc tập trận quân sự thứ nhất mang tên Trojan Footprint, được tổ chức tại 5 quốc gia Đông Âu với sự góp mặt của 600 lực lượng thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và không thuộc NATO, bao gồm cả binh sĩ đến từ Ukraine và Georgia.
Cuộc tập trận thứ hai diễn ra cùng tháng có quy mô lớn hơn nhiều mang tên Defender-Europe 21. Có tới 28.000 lực lượng đến từ 26 quốc gia khác nhau tham gia cuộc tập trận này.
Các chuyên gia cho rằng, không phải ngẫu nhiên 2 cuộc tập trận lớn diễn ra trong cùng một tháng. Cả 2 cuộc tập trận đều được lên kế hoạch từ lâu và diễn ra sau một loạt động thái quân sự của Nga mà Mỹ và NATO cho là “gây hấn” trên khắp châu Âu.
Mục tiêu của các cuộc tập trận hiện nay là gửi thông điệp đến Nga và các quốc gia khác, đồng thời thắt chặt quan hệ đồng minh và các đối tác.
Ông David Muniz, nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Romania nói: “Chúng ta phải mạnh mẽ và hỗ trợ các đồng minh của mình khi xuất hiện đe dọa. Khi chúng ta mạnh mẽ, khi chúng ta đoàn kết thì sẽ đem lại hiệu quả thực sự trước những vấn đề có thể xảy ra”.
Mỹ và 20 quốc gia NATO cũng đang tham gia vào một chiến dịch lớn mang tên Allied Sky (Bầu trời đồng minh) với mục đích nhằm cảnh báo Nga. Theo Nic Robertson, biên tập viên mảng ngoại giao quốc tế của CNN, chiến dịch Allied Sky nhằm thể hiện “sự tin cậy về phòng thủ chung” và “sự sẵn sàng nâng cao” của NATO.
Trước đó, vào ngày 28/5, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, cùng 19 tàu chiến của Mỹ và 8 quốc gia NATO khác đã tới Biển Đen, biểu dương sức mạnh nhằm “nắn gân” Nga.
Các lực lượng Ukraine, Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Latvia và các nước đối tác khác Sea Breeze (Gió Biển) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc tập trận từ ngày 28/6-10/7 tới, trong bối cảnh các nước phương Tây liên tục cáo buộc Nga tăng cường lực lượng ở biên giới Đông Nam của nước này.
Theo tin từ Bộ Quốc phòng Nga, NATO có kế hoạch triển khai 4.000 binh lính, 40 tàu chiến, 30 chiến đấu cơ và hơn 100 phương tiện vũ trang khác trong cuộc tập trận này.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 1/6 nhận định, một trong những lý do khiến liên minh này tăng cường khả năng trong khu vực là bởi Nga “sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nước láng giềng như Georgia và Ukraine”.
Cựu chỉ huy NATO James Stavridis nhận định, từ Biển Đen, Nga cũng có thể tấn công đất liền Ukraine, nhằm vô hiệu hóa lực lượng hải quân Ukraine, giành quyền kiểm soát trên biển ở phía bắc Biển Đen, cắt đứt các tuyến đường cung cấp hậu cần của lực lượng Ukraine, đồng thời giành quyền thống trị khu vực đất liền nối Nga và Crimea.
Tăng cường hiện diện quân sự
Giữa lúc Mỹ và các đồng minh NATO tập trận ở Đại Tây Dương và khắp châu Âu, ngày 31/5, Nga thông báo kế hoạch thành lập 20 đội quân và đơn vị quân sự mới tại quân khu phía Tây nước này, nhằm đáp trả những động thái của Mỹ và NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã dẫn ra việc các máy bay ném bom chiến lược Mỹ gia tăng tần suất hoạt động gần biên giới Nga, cũng như việc NATO triển khai tàu chiến và tăng cường lực lượng trong các cuộc tập trận. Ông Shoigu cũng cho biết, các đơn vị quân sự ở phía Tây nước Nga sẽ được bàn giao khoảng 2.000 thiết bị vũ khí mới trong năm 2021.
Cũng trong ngày 31/5, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev tiết lộ những điều chỉnh quan trọng trong Dự thảo Chiến lược an ninh quốc gia mới của Nga. Theo đó, Nga nhận định, gần đây xuất hiện những nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ, gây áp lực chính trị đối với Moscow.
Bên cạnh đó, các lực lượng NATO đang ngày càng tiến gần biên giới của Nga. Do đó, Nga có thể sử dụng vũ lực nếu cần để đáp trả những hành vi “không thân thiện” khiến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ đất nước bị đe dọa.
Nga tăng cường hợp tác với Belarus để chống lại các chính sách của phương Tây nhằm vào Belarus. Sau cuộc gặp tại Belarus, ngày 3/6, Giám đốc Cục Tình báo Hải ngoại Nga (SVR) Sergei Naryshkin và người đứng đầu Ủy ban An ninh Nhà nước Belarus (KGB) Ivan Tertel, thống nhất tiến hành các hoạt động chung đối phó với hoạt động phá hoại của phương Tây, trong bối cảnh cả hai nước đang chịu sức ép trước các lệnh trừng phạt.
Và để củng cố hợp tác an ninh quốc phòng, Nga và Belarus chuẩn bị thực hiện một cuộc tập trận chung “Zapad - 2021” tại khu vực biên giới phía Tây trong giai đoạn huấn luyện mùa hè.
Tổng thống Nga Putin cũng gửi đi thông điệp cứng rắn tới Mỹ trước thềm thượng đỉnh. Ông phát biểu tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Peterburg (SPIEF), ngày 3/6 rằng:
“Chúng tôi không có vấn đề gì với Mỹ và vấn đề là họ luôn muốn kìm hãm sự phát triển của Nga. Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ đó: những hạn chế kinh tế và những nỗ lực hòng gây tác động đến các tiến trình chính trị nội bộ của chúng tôi”.
Tuy nhiên, ông Putin cũng bày tỏ hy vọng cuộc gặp với người đồng cấp Biden sẽ diễn ra tích cực. Căng thẳng giữa Nga với Mỹ và phương Tây vốn gia tăng trong thời gian gần đây, khi các lệnh trừng phạt “hội đồng” của Mỹ và một số nước phương Tây được tung ra đối với Nga.
Moscow có hành động đáp trả cứng rắn bằng các tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ, các nhà ngoại giao Séc, Ba Lan khỏi nước này, đồng thời chỉ trích các động thái triệu tập Đại sứ Nga của Anh, cũng như các hành động của NATO.
Nga bị cáo buộc có động thái “khiêu khích” khi triển khai nhiều khí tài gồm xe tăng, pháo, xe quân sự tới khu vực biên giới giáp Ukraine và bán đảo Crimea; tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Baltic, Biển Bering, Biển Đen và Địa Trung Hải, cũng như “quân sự hóa” vùng Bắc Cực.
Mỹ và NATO bị tố cáo tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, lên kế hoạch điều động binh lính và thiết bị quân sự tới gần biên giới Nga, điều tàu chiến tới Biển Đen và can thiệp vào vấn đề nội bộ của Belarus.
Các chuyên gia cho rằng, trong cuộc gặp thượng đỉnh tới đây, hai nhà lãnh đạo Biden và Putin chắc chắn trao đổi về khả năng khôi phục quan hệ song phương Nga-Mỹ, về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.
Tuy nhiên, với các động thái tựa như “đổ thêm dầu vào lửa” cho các căng thẳng và mối quan hệ vốn đang ở mức “cực kỳ thấp” như hiện nay, thật khó để có sự thay đổi căn bản trong quan hệ giữa hai nước./.