Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Kyle Mizokami cho hay:
Trong Chiến tranh thế giới II, Hồng quân Liên Xô không có khí tài hiệu quả để đáp lại đòn tấn công của các xe tăng Đức. Song cũng chính nhờ kinh nghiệm này mà họ đã có được một trong những vũ khí được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Đơn giản và hiệu quả, RPG-7, với hình dạng "giống như cây chổi", đã trở thành súng phóng lựu chống tăng hiệu quả nhất sau chiến tranh và trở thành "biểu tượng của các cuộc cách mạng" vì sự phổ biến của nó.
Tham khảo những nghiên cứu của Đức, các nhà thiết kế Liên Xô đã tạo ra loại súng phóng lựu cá nhân độc đáo. Nguyên mẫu RPG-2 được đưa vào biên chế năm 1949. Súng có tầm bắn 150 m và xuyên giáp 180 mm, khiến ngay cả các tân binh cũng có thể "dễ dàng" tiêu diệt các xe tăng NATO vào thời điểm đó như M26 Pershing của Mỹ hay Centurion của Anh.
Năm 1961, RPG-2 được thay thế bằng phiên bản nâng cấp RPG-7. Tầm bắn được cải thiện từ 150 lên 200 m. Khác với mô hình ban đầu trang bị thiết bị ngắm bắn đơn giản, phiên bản mới gắn kính ngắm quang học PGO-7. Đạn của súng giờ đây có thể xuyên thủng giáp 260 mm.
Theo ông Mizokami, RPG-7 đã làm đa dạng vũ khí chống tăng vác vai theo nhiều cách.
Ví dụ, RPG-7D thiết kế cho lính dù có thể tháo rời tiện cho việc vận chuyển. Đạn OG-7 phân mảnh rất có hiệu quả chống các mục tiêu phi giáp và bộ binh.
Trước sự xuất hiện của giáp phản ứng sử dụng các hộp chứa chất nổ làm giảm hiệu quả đạn, Liên Xô đã phát triển PG-7VR - loại đạn xuyên phá dài hơn và lớn hơn, chứa hai đầu nổ. Đầu thứ nhất vô hiệu hóa giáp phản ứng, đầu thứ hai xuyên giáp của xe tăng.
Sau gần 60 năm ra đời, RPG vẫn được sử dụng rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới.
Taliban từng sử dụng súng phóng lựu RPG "với số lượng khủng khiếp". Từ năm 2001-2008, 7 trong số 8 máy bay trực thăng của Mỹ rơi tại Afghanistan là do vũ khí này.
Ngoài ra, có thể thấy RPG ở hầu hết các bên xung đột ở Syria.