Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Holocen, tổng cộng có 68 hiện vật trong tình trạng đặc biệt tốt lộ ra khi một tảng băng lớn ở vùng núi thuộc quận Innlandet (Na Uy) tan chảy. Các nhà khảo cổ đã áp dụng phương pháp định tuổi thông qua đồng vị carbon phóng xạ và biết được rằng những hiện vật cổ xưa nhất có niên đại từ 6.000 năm trước, tức thời đại đồ đá.
Một trong các hiện vật lộ ra trong băng, là một mũi giáo nguyên vẹn - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Những hiện vật 6.000 tuổi này chủ yếu là những chiếc gậy được mô tả là "đáng sợ", dùng để lùa động vật vào nơi dễ dàng bị săn bắt hơn. Ngoài ra còn có rất nhiều xương và gạc tuần lộc được chế tác thành công cụ để săn bắt chính đồng loại chúng.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều mũi tên, giáo mác được làm từ nhiều chất liệu khác nhau. Ước tính " kho báu " này đã lưu giữ một đoạn lịch sử dài từ thời kỳ đồ đá cho đến thời trung cổ. Các mũi tên nhiều thời kỳ được đánh giá cao nhất, bởi thứ vũ khí này thường ẩn chứa nhiều thông tin về trình độ, sự phát triển của những người sử dụng chúng.
Khu vực tìm thấy "kho báu băng giá" - Ảnh do nhóm nghiên cứu cung cấp
Tờ Science Alert dẫn lời nhà khảo cổ Lars Holger Pilø từ Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng quận Innladet (Na Uy): "Đây là di tích băng có nhiều mũi tên và biên độ thời gian giữa các hiện vật lớn nhất thế giới. Thực hiện điều tra thực địa ở đây và tìm thấy những hiện vật này là một giấc mơ của các nhà khảo cổ học".
Toàn bộ khu vực cũng được khảo sát tổng thể bằng kỹ thuật radar xuyên đất, giúp ghi nhận cách một số hiện vật bị nghiền nát - thứ thể hiện sự di chuyển của các mảng băng. Tuy vui mừng vì phát hiện ra kho báu khảo cổ này, nhưng giới khoa học rất lo ngại về cách mà các hiện vật được thiên nhiên khai quật.
Băng tan là một minh chứng rõ ràng cho sự nóng lên toàn cầu. Trong đó mảng băng Langfonne ở vùng núi này chỉ còn chưa đến 1/3 kích thước của chính nó 20 năm trước, cũng như chỉ khoảng 10% kích thước của thời kỳ Tiểu Băng Hà (từ thế kỷ 15-20).