Bước vào tuổi U70, cụ bà họ Lưu đến từ Trung Quốc gặp tình trạng suy giảm sức khỏe. Bà mắc không ít căn bệnh khác nhau, thậm chí còn phải nhập viện vì bệnh ngày càng trở nặng. Cũng nhờ lần nhập viện này, bà Lưu có cái nhìn khác hẳn về con trai và con gái mình. Dưới đây là lời tự sự của cụ bà U70 được chia sẻ trên Toutiao:
Tôi có 2 người con 1 gái, 1 trai và chưa có ai lập gia đình. Chồng mất sớm, tôi 1 mình nuôi con khôn lớn, trưởng thành. Vì vậy, cả 2 con đều rất thân thiết với tôi, mối quan hệ mẹ con trước nay vẫn rất tốt đẹp.
Tuy nhiên, sức khỏe suy giảm nên tôi phải nhập viện và điều trị theo lời bác sĩ. Ở trong viện 2 tháng, tôi được con gái quan tâm từng li từng tí. Con gái tôi thậm chí còn xin nghỉ phép, tạm gác công việc để trực tiếp vào viện chăm sóc tôi. Bản thân nói rằng con nên tập trung vào công việc, tôi có thể thuê người chăm sóc tạm thời nhưng con gái không yên tâm. Vì vậy, cả ban ngày lẫn ban đêm, con luôn có mặt trong viện để chăm sóc tôi.
Nhờ có con gái, tôi dần tiến triển tốt và hồi phục nhanh. Vào ngày xuất viện, bác sĩ nói tôi cần tập trung hơn vào việc nghỉ ngơi để phục hồi. Nếu như cảm thấy cơ thể đã khỏe khoắn hơn, tôi có thể gặp gỡ mọi người, cùng người thân tụ họp. Ngày từ viện trở về nhà, con gái đã chuẩn bị cho tôi 1 bữa tiệc nho nhỏ, ấm cúng. Con trai cũng tới nhà tôi từ sớm và chuẩn bị những món ăn ngon, món quà nho nhỏ gửi tôi. Sau cơn thập tử nhất sinh, tôi vô cùng hạnh phúc khi quây quần bên con cái. Cả nhà trò chuyện vô cùng vui vẻ, kể nhiều câu chuyện thú vị.
Tuy nhiên, tới giữa bữa cơm, bỗng nhiên con trai lại hỏi vay tôi khoản tiền 5.000 NDT (17 triệu đồng) trong lương hưu của tôi. Mỗi tháng, tôi nhận 8.300 NDT (28 triệu đồng) tiền lương hưu và thường dành dụm, tiết kiệm để không phải sống phụ thuộc vào con cái. Thế nhưng vài tháng qua, tôi không còn tiền lương hưu để tiết kiệm vì đã trang trải tiền viện phí, thuốc thang. Vì vậy, tôi vô cùng bất ngờ trước lời nhờ vả của con trai. Suốt khoảng thời gian bản thân ở trong bệnh viện, con trai cũng không mấy khi vào thăm hay hỏi han, chủ yếu chỉ có con gái tận tâm chăm sóc.
Hơn nữa, dù biết tôi mới ốm dậy, con trai vẫn cố tình nhắc tới vấn đề tiền bạc. Tôi suy nghĩ về vấn đề này rất nhiều, trong lòng luôn lóe lên cảm giác con trai là người không hiểu chuyện, không hề tôn trọng và yêu thương tôi. Con gái cũng phản ứng rất gay gắt khi con trai ngỏ ý vay tôi tiền lương hưu hàng tháng.
Tôi từ chối lời nhờ vả, con trai vội vàng xin phép rồi ra về. Từ đó trở đi, tôi cũng không liên lạc gì với con. 1 thời gian ngắn sau đó, tôi nghe tin con trai nợ nần vì lao vào trò đỏ đen. Vì vậy, có lẽ con muốn vay tiền tôi để trả bớt số nợ này. Tôi gọi các con đến về nói chuyện cũng như tìm hướng giải quyết cho những chuyện mà các con gặp phải. Con trai nói rằng mình đã vướng vào nợ nần nhưng cũng đã biết mình sai ở đâu. Vì vậy con sẽ sửa đổi, tránh phạm phải sai lầm tương tự.
Sau khi nghe chuyện, tôi quyết định không giúp con trả nợ. Tôi nghĩ rằng nên để con tự chịu trách nhiệm với những hành động của mình để không mắc sai lầm tương tự.
Là người 1 nhà, chúng ta nên chia sẻ và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết các vấn đề thay vì trách cứ nhau. Chỉ có như vậy, chúng ta mới giữ gìn được gia đình êm ấm, hạnh phúc. Mỗi người đều có thể mắc các lỗi sai khác nhau trong cuộc sống. Điều quan trọng là chúng ta sẽ đối diện và giải quyết các vấn đề ra sao.