Nam sinh Bách Khoa: "Khởi nghiệp thế nào để trở thành 100 người giàu nhất thế giới?"

Phong Lan |

Đặt câu hỏi cho cựu CEO FPT Nguyễn Thành Nam, một sinh viên trường Bách Khoa thắc mắc việc làm thế nào để thuyết phục người khác tin theo tham vọng của mình khi góp vốn, đặc biệt nếu tham vọng đó là "trở thành một trong 100 người giàu nhất thế giới".

Xuất hiện trong Hội thảo "Khởi nghiệp là khởi cái gì?" diễn ra tại trường đại học Bách Khoa, Hà Nội, cựu CEO Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập FUNiX đã có buổi nói chuyện cởi mở với nhiều các bạn sinh viên, các cá nhân quan tâm đến khởi nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Thành Nam với những người muốn khởi nghiệp thì điều chắc chắc điểm xuất phát chính là bản thân. "Ngay từ những năm 1988 khi chúng tôi về nước, lúc đó chẳng ai hô hào cả nước khởi nghiệp, không có người dẫn trước, không có sự hỗ trợ của Chính phủ... Đơn giản chúng tôi phải khởi nghiệp, vì nếu không sẽ chết đói".

Nhận định "nếu bản thân mỗi người không có hạt giống khởi nghiệp thì đi học cũng tốn tiền", TS. Nguyễn Thành Nam đã đặt câu hỏi cho toàn hội trường rằng "Khởi nghiệp là làm gì?".

Nam sinh Bách Khoa: Khởi nghiệp thế nào để trở thành 100 người giàu nhất thế giới? - Ảnh 1.

Phó chủ tịch đại học FPT trong buổi chia sẻ ở đại học Bách Khoa về khởi nghiệp. Ảnh: Phong Lan.

Theo cựu CEO FPT, muốn hiểu khởi nghiệp là gì, thì trước tiên phải hiểu doanh nghiệp là gì. "Nhiều bạn cho biết bản thân lập doanh nghiệp để kiếm tiền, nhưng khi được hỏi kiếm được bao nhiêu thì không nói được. Thì đó không phải là tham vọng, tham vọng là phải nói ra được. Chính tham vọng cá nhân mới giúp các bạn nói ra được và dám vượt qua khó khăn.

Nếu bản thân mỗi người không có tham vọng cá nhân hay có mà không nói ra được thì cũng không thể thuyết phục người khác, không thể thành công. Vì chính con người bạn không biết mình muốn gì, thì không ai có thể đi theo bạn, làm cùng bạn, khởi nghiệp cùng bạn".

Đến đây, một nam sinh của trường đại học Bách Khoa đã đăt câu hỏi "gây bão" hội trường khi chất vấn lãnh đạo của FPT về việc tham vọng cá nhân như thế nào là đủ để phù hợp với việc khởi nghiệp.

"Nếu tham vọng điên rồ quá thì có nên nói ra. Tôi muốn trở thành 100 người giàu nhất thế giới, nếu người ta cho rằng mình điên thì làm cách nào để mình thuyết phục người ta theo mình?", bạn Minh, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đặt câu hỏi.

Trái với tiếng cười lớn từ hội trường, ông Nam điềm đạm cho rằng nói những thứ điên rồ sẽ khiến người khác tránh xa chứ không phải đi theo. "Khi bắt đầu hãy bắt đầu từ những tham vọng nhỏ, từ những cái dễ, nếu quá cao siêu bản thân sẽ nhanh chán. Nhưng mình không bỏ bởi đó chính là động lúc cho bản thân bạn".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại