Khu vực Nam Mỹ đang bị tàn phá bởi đám cháy từ rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, lan từ những vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới đến các khu rừng khô ở Bolivia, phá vỡ kỷ lục trước đó về số vụ cháy rừng được ghi nhận trong một năm cho đến ngày 11/9.
Dữ liệu vệ tinh do cơ quan nghiên cứu không gian Inpe của Brazil phân tích đã ghi nhận 346.112 điểm nóng cháy rừng trong năm nay tại tất cả 13 quốc gia Nam Mỹ, vượt qua kỷ lục trước đó vào năm 2007 là 345.322 điểm nóng trong một loạt dữ liệu có từ năm 1998.
Khói bốc lên từ các đám cháy ở Brazil đã làm bầu trời chuyển màu xám xịt tại các thành phố như Sao Paulo, tạo thành một hành lang khói nhìn từ không gian trải dài theo đường chéo trên khắp lục địa từ Colombia ở phía Tây Bắc đến Uruguay ở phía Đông Nam.
Một người lính cứu hỏa đang cố gắng dập tắt đám cháy rừng tại bang Sao Paulo, Brazil, ngày 11/9. (Ảnh: AFP-JIJI)
Brazil và Bolivia đã điều động hàng nghìn lính cứu hỏa trong nỗ lực kiểm soát các đám cháy, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế do thời tiết khắc nghiệt làm lửa lan nhanh.
Các nhà khoa học cho biết trong khi hầu hết các đám cháy đều do con người gây ra, thì tình trạng nóng và khô gần đây do biến đổi khí hậu đang khiến đám cháy lan nhanh hơn. Nam Mỹ đã phải hứng chịu một loạt đợt nắng nóng cực đoan kể từ năm 2023.
"Chúng tôi không còn biết đến thời tiết lạnh", Karla Longo - một nhà nghiên cứu về chất lượng không khí tại Inpe, nói về thời tiết ở Sao Paulo trong những tháng gần đây. "Thật vô lý", ông thốt lên.
Mặc dù vẫn đang là mùa đông ở Nam bán cầu, nhiệt độ cao ở Sao Paulo đã duy trì hiện duy trì ở mức trên 32 độ C.
Hàng trăm người đã tuần hành ở vùng cao nguyên, thủ đô chính trị La Paz của Bolivia để yêu cầu chính phủ hành động quyết liệt hơn trong việc kiểm soát cháy rừng. Họ cầm biểu ngữ và áp phích có nội dung "Bolivia đang bốc cháy" và "Vì không khí trong lành hơn, hãy ngừng đốt rừng".
"Xin hãy nhận ra điều gì thực sự đang xảy ra ở đất nước này, chúng tôi đã mất hàng triệu ha đất", Fernanda Negron - một nhà hoạt động vì quyền động vật trong cuộc biểu tình - nói và cho biết hàng triệu động vật đã bị thiêu chết trong các đám cháy.
Tại Brazil, hạn hán bắt đầu từ năm 2023 đã trở thành tình trạng tồi tệ nhất từng được ghi nhận, theo cơ quan giám sát thảm họa quốc gia Cemaden.
"Nhìn chung, hạn hán trong năm 2023 - 2024 là thảm họa dữ dội nhất, kéo dài nhất ở một số khu vực và lan rộng nhất trong lịch sử gần đây, ít nhất là theo dữ liệu kể từ năm 1950", Ana Paula Cunha - một nhà nghiên cứu hạn hán của Cemaden - cho biết.
Nhiều thành phố lớn tại Nam Mỹ bị bao phủ bởi lớp khỏi dày đặc, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân. (Ảnh: DW)
Theo dữ liệu của Inpe, số vụ cháy lớn nhất trong tháng 9 xảy ra ở Brazil và Bolivia, tiếp theo là Peru, Argentina và Paraguay. Venezuela, Guyana và Colombia cũng ghi nhận những vụ cháy rừng dữ dội vào đầu năm, góp phần vào kỷ lục này nhưng phần lớn đã lắng xuống.
Các đám cháy do phá rừng ở Amazon tạo ra những cột khói dữ dội do mật độ thực vật dày đặc bị hỏa hoạn nhấn chìm.
"Cảm giác bạn có được khi bay cạnh một trong những đám mây này giống như đám mây hình nấm nguyên tử. Khoảng 9 triệu km2 Nam Mỹ đôi khi bị khói bao phủ, chiếm hơn một nửa lục địa", chuyên gia Longo cho biết.
Sao Paulo, thành phố đông dân nhất ở Tây bán cầu, đầu tuần này có chất lượng không khí tệ nhất trên toàn cầu, cao hơn các điểm nóng ô nhiễm nổi tiếng như Trung Quốc và Ấn Độ, theo trang web IQAir.com. Thủ đô La Paz của Bolivia cũng bị bao phủ trong đám khói tương tự.
Việc tiếp xúc với khói sẽ làm tăng số lượng người phải nhập viện điều trị các vấn đề về hô hấp và có thể gây ra hàng nghìn ca tử vong sớm. Theo một nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí khoa học Environmental Research: Health, hít phải khói cháy rừng góp phần gây ra trung bình 12.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Nam Mỹ.
Tháng 9 thường là tháng cao điểm của các vụ cháy rừng ở Nam Mỹ. Trong khi dự báo mưa sẽ xuất hiện vào tuần tới ở trung tâm phía Nam của Brazil, nơi có thành phố Sao Paulo tọa lạc thì tình trạng hạn hán dự kiến sẽ tiếp tục cho đến tháng 10 ở vùng Amazon phía Bắc của Brazil và vùng nông nghiệp Trung Tây.