Theo như Nam Em chia sẻ trước đó, cô sẽ có buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vào sáng 28/2 để cung cấp các tài khoản mạng xã hội đã livestream, tường trình những phát ngôn trong thời gian qua. Tuy nhiên, vào sáng 28/2, theo ghi nhận của chúng tôi thì Nam Em không xuất hiện ở buổi làm việc này.
Thay vào đó, Bùi Hữu Cường - chồng sắp cưới và hiện cũng là quản lý của Nam Em đã có mặt tại Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Chồng sắp cưới của Nam Em tự lái ô tô, anh đi cùng một người đàn ông và nhanh chóng di chuyển vào bên trong. Phía trước trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, an ninh được thắt chặt.
Clip: Nam Em vắng mặt, chồng sắp cưới đại diện đến Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM vào sáng 28/2
Những ngày qua, Nam Em trở thành tâm điểm gây phẫn nộ trên MXH vì những buổi livestream úp mở "phốt" nửa showbiz, khơi gợi liên tưởng của netizen đến một số sao Việt nhưng lại không đưa ra bằng chứng cụ thể. Không ít nghệ sĩ bị réo gọi vào thị phi, gây ảnh hưởng đến danh tiếng.
Trong buổi họp báo định kỳ chiều ngày 22/2, ông Nguyễn Ngọc Hồi - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã thông tin thêm về vụ việc Nam Em livestream khui chuyện showbiz với nhiều phát ngôn gây phẫn nộ. Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Hồi cho biết Sở đã lên kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để xử lý theo đúng quy trình và quy định của pháp luật.
Tối 26/2 Nam Em đã công khai giấy triệu tập trên livestream và nói: "Hôm nay tôi nhận được giấy triệu tập. Tệ nhất tôi phải khóa kênh một thời gian, nộp phạt".
Luật sư Trần Viết Hà - luật sư thành viên công ty luật TNHH MTV Nam Sơn về những vấn đề pháp lý liên quan vụ việc. Trước câu hỏi xoay quanh việc các cá nhân chủ trì phiên livestream không nhắc tên trực diện nhưng lại dùng những từ khoá như tên viết tắt, nick name - danh xưng ám chỉ, thì đối tượng bị ám chỉ đó có được quyền kiện người livestream hay không, luật sư cho hay: "Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tên mà các cá nhân xúc phạm dùng trong phiên livestream có thường được sử dụng hay không, cái tên đó có được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ hay chưa, có xác định được người bị đưa nội dung là ai hay không.
Nếu như không xác định được thì không có ai sẽ không bị truy cứu. Trong trường hợp những cái tên đó đã được đăng ký, sử dụng một cách thường xuyên và khi nghe đến ai cũng biết chắc chắn là cá nhân cụ thể thì cá nhân bị xúc phạm uy tín danh dự có thể lập vi bằng để truy cứu, xử lý theo pháp luật".
Theo luật sư Viết Hà, trong trường hợp xác định được chính xác có hành vi sai phạm thì người chủ trì phiên livestream sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật: "Điều 101 Nghị định 15/2020/ NĐ-CP quy định về việc truyền phát những thông tin sai sự thật, bôi xấu, vu khống, xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân khác thì có thể bị xử phạt. Đối với tổ chức, mức phạt sẽ từ 10 - 20 triệu đồng. Với cá nhân, mức phạt thường rơi vào khoảng 7,5 triệu đồng, nặng hơn sẽ bị truy cứu với các tội đưa và sử dụng trái phép thông tin trên mạng quy định tại điều 288 Bộ Luật Hình sự.
Các tội đích danh khác ví dụ lan truyền thông tin làm ảnh hưởng người khác có thể bị truy cứu với tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ Luật Hình sự, lan truyền nội dung không chính xác sẽ bị quy vào tội vu khống được quy định tại Điều 156 Bộ Luật Hình sự".