Năm 2022 VN-Index sẽ thay đổi như thế nào?

Nam Minh |

Năm 2022 sẽ là một câu chuyện thú vị khi môi trường lãi suất và lạm phát dự báo có thể cao hơn năm 2021 sẽ dẫn đến sự chuyển dịch sang các thị trường chứng khoán chất lượng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chứng khoán đã có một năm thành công bất chấp những lo ngại về tác động dài hạn của việc khóa cửa nghiêm ngặt được áp dụng sau làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Với mức tăng 35% vào năm 2021, VN-Index nằm trong top 10 thị trường hoạt động tốt nhất trên toàn cầu nhờ dòng vốn đầu tư vào Việt Nam vẫn vững chắc, được hỗ trợ bởi sự dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất vào trong nước.

Trên thị trường chứng khoán, khá nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là họ cổ phiếu mid-caps (những cổ phiếu có giá trị vốn hóa trung bình). Ví dụ như Fecon Corp (FCN) và Petrovietnam Transport (PVT) lần lượt tăng 106% và 71%. Cả hai công ty đều được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của hoạt động công nghiệp và tăng chi tiêu của Chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Năm 2022 sẽ là một câu chuyện thú vị khi môi trường lãi suất và lạm phát dự báo có thể cao hơn năm 2021 sẽ dẫn đến sự chuyển dịch sang các thị trường chứng khoán chất lượng.

Theo nhận định của quỹ đầu tư Asia Frontier Capital, với việc thị trường chứng khoán trên toàn cầu đã tăng trưởng nhanh trong 20 tháng qua; hay các nhà đầu tư toàn cầu đang lo lắng về tốc độ tăng lãi suất, có lý do để tin rằng các quốc gia và công ty mạnh hơn về cơ bản sẽ thu hút dòng tiền vào năm 2022. Trên cơ sở này, Việt Nam - quốc gia có ưu thế nhờ sở hữu nền tảng vĩ mô tốt với mức nợ chính phủ thấp, mức dự trữ ngoại hối ngày càng được nâng cao; tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ. Nhờ đó, Việt Nam có thể chống chọi tốt hơn với những thay đổi lớn trong xu hướng kinh tế vĩ mô toàn cầu.

"Tỷ lệ tiêm chủng cao hơn đáng kể sẽ hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại, chúng tôi kỳ vọng thu nhập sẽ phục hồi mạnh mẽ đối với một số doanh nghiệp tiêu dùng vốn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch năm 2021. Giá cổ phiếu của các công ty này đã tụt hậu so với thị trường tổng thể năm 2021, có thể chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ vào năm 2022", Asia Frontier Capital nhận định.

Các cổ phiếu họ chứng khoán cũng có thể nhận được trợ lực lớn nhờ giá trị giao dịch trung bình (ADTV) của thị trường giai đoạn 2021-2025 gia tăng mạnh mẽ nhờ triển khai hệ thống giao dịch chứng khoán KRX (dự kiến sẽ ra mắt vào đầu quý II/2022). Điều này giúp mở ra các sản phẩm giao dịch mới và có thể thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường, từ đó đẩy thanh khoản thị trường và nhu cầu cho vay ký quỹ lên mức cao mới.

Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết giảm xuống 15,8% trong quý III/2021, nhưng vẫn đạt mức ấn tượng 53,4% trong ba quý đầu năm. Kết quả này rất tích cực trong bối cảnh cả nước bị ảnh hưởng nặng khi thực hiện giãn cách xã hội trong nhiều tháng. Chứng khoán VNDirect ước tính EPS toàn thị trường tăng 39% trong năm 2021 và duy trì mức tăng trưởng bình quân 20% trong giai đoạn 2022 - 2023.

Giá cả hàng hóa sẽ phân hóa trong năm 2022, trong đó nhóm dầu khí và hóa chất tiếp tục đà tăng. Xu thế đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ cho nhóm năng lượng, bất động sản nhà ở và bất động sản công nghiệp. Nhiều công ty sẽ được hưởng lợi nhờ sự thăng hoa của kinh tế số sau đại dịch. Cuối cùng, cầu nội địa phục hồi sẽ thúc đẩy các ngành bán lẻ, F&B và du lịch tăng trưởng mạnh nhanh hơn các ngành khác.

VNDirect dự báo VN-Index sẽ đạt mức 1.700 - 1.750 điểm trong năm 2022, trên cơ sở P/E khoảng 16 -16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận 23%. Đà tăng của thị trường có thể kéo dài nhờ việc nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng và sự tham gia ngày càng nhiều của dòng vốn cá nhân trong nước.

Rủi ro chính đối với thị trường năm 2022 vẫn là lạm phát cao hơn dự kiến có thể dẫn đến việc các chính sách thắt chặt được triển khai. Nhưng mặt khác, việc nâng hạng lên thị trường mới nổi MSCI của Việt Nam sớm hơn có thể giúp thị trường có thêm dư địa tăng giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại