Cuộc chính biến ở Myanmar và tình trạng hỗn loạn mà nó gây ra có nguy cơ dẫn đến một cuộc nội chiến ở quốc gia Đông Nam Á này, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hôm Chủ nhật (4/4) cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn, theo hãng tin DW (Đức).
"Không nước nào trong khu vực muốn Myanmar chìm trong nội chiến" - Ngoại trưởng Maas bình luận với hãng truyền thông Funke.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang gia tăng áp lực đối với các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar sau khi họ sử dụng bạo lực để trấn áp các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và chính quyền quân sự. Hơn 550 dân thường đã thiệt mạng, theo truyền thông địa phương.
"Quân đội đã đẩy Myanmar đến bờ vực thảm họa chỉ trong vòng vài tuần. Hơn 500 người đã thiệt mạng, và hàng ngàn người đang phải chạy trốn", ông Maas nói.
Ngoại trưởng Đức cũng đã kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn cầu "gia tăng áp lực đối với chính quyền quân sự Myanmar" để đưa nước này lên bàn đàm phán với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Một số ngoại trưởng ASEAN đã lên án bạo lực ở Myanmar. Trung Quốc, vốn thận trọng trước cuộc chính biến, cũng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp với các nhà lãnh đạo trong khu vực về Myanmar.
Theo hãng tin AFP, 10 trong số các nhóm nổi dậy có vũ trang của Myanmar đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến về cuộc đảo chính vào hôm thứ 3/4 vừa qua, làm dấy lên lo ngại rằng một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể nổ ra ở nước này.
Tại Myanmar hiện có khoảng 20 nhóm vũ trang dân tộc kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, chủ yếu ở các vùng biên giới.
Lực lượng Giải phóng Dân tộc Ta'ang, Liên minh Dân chủ Các dân tộc Myanmar và nhóm Quân đội Arakan (AA) trước đó đã tuyên bố rằng nếu quân đội chính phủ không ngăn chặn đổ máu, họ sẽ "hợp tác với những người biểu tình và chống trả."
Myanmar từ lâu đã gặp khó khăn bởi cuộc giao tranh giữa quân đội và các lực lượng dân tộc thiểu số. Họ đã đấu tranh để giành nhiều quyền tự trị hơn kể từ khi Myanmar giành được độc lập từ Anh vào năm 1948./.
(Theo DW)