Tổng thống Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng ngày 24/9. Ảnh: AP
Trong tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thủ tướng Narendra Modi tại Nhà Trắng và tuyên bố rằng hai quốc gia “đã được định trước để thân thiết, gắn kết và mạnh mẽ hơn”. Tiếp đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman vào ngày 7/10 đề cập rằng Washington có thể xem xét lại việc áp đặt lệnh trừng phạt lên New Delhi khi Ấn Độ nhận 5 hệ thống phòng không S-400 từ Nga dựa trên thỏa thuận 5,5 tỷ USD giữa hai nước này.
Trong ngày đầu của chuyến thăm 2 ngày đến Ấn Độ, Thứ trưởng Sherman nói rằng việc các nước sử dụng hệ thống phòng không của Nga là “nguy hiểm” nhưng Washington nhiều khả năng không hành động mạnh mẽ đối với New Delhi.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời bà Sherman nêu rõ: “Chúng tôi muốn suy nghĩ kỹ về những chặng đường phía trước và thảo luận giữa hai nước để cố gắng giải quyết các vấn đề. Hy vọng chúng ta sẽ làm được trong trường hợp này”.
Từ năm 2016, khi Ấn Độ tuyên bố về thỏa thuận mua vũ khí Nga, Mỹ khá bất an. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, trong khoảng thời gian từ 2010-2020, có tới 62% lượng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ và từ Nga trong khi vũ khí Mỹ chỉ chiếm 12%. Kể từ năm 2018, Nga và Ấn Độ đã nhất trí được các thỏa thuận trị giá 15 tỷ USD giao dịch từ chiến đấu cơ cho tới súng trường, chiến hạm.
Tháng 8/2017, Thượng viện Mỹ thông qua Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Ngoài việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, Iran và Triều Tiên, CAATSA cũng có nội dung trừng phạt đối với các quốc gia có “giao dịch đáng kể” với 3 nước này.
Năm nay, Mỹ đã kích hoạt đạo luật để áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ khi nước này mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga. Washington còn thẳng tay loại Ankara khỏi chương trình phát triển máy bay quân sự F-35.
Nhưng vào tháng 1, xuất hiện thông tin các quan chức Mỹ đã đánh tiếng đến chính quyền Thủ tướng Modi rằng Washington nhiều khả năng không bỏ qua cho New Delhi về thỏa thuận S-400.
Trong tháng 9, Ngoại trưởng Antony Blinken cũng có lập trường tương tự: “Chúng tôi có luật pháp. Chúng tôi áp dụng luật pháp của mình nhưng cũng chia sẻ quan ngại của Mỹ với Ấn Độ về điều này”.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sau đó nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ chỉ được áp dụng sau khi hệ thống phòng không được chuyển giao.
Nhưng bất chấp phản đối gay gắt từ Mỹ, New Delhi vẫn chủ trương mua các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Theo Quỹ Nghiên cứu Observer (ORF), New Delhi cho rằng S-400 là hệ thống vũ khí hiệu quả nhất và quan trọng đối với nhu cầu của Ấn Độ. Theo đó, Không quân Ấn Độ đánh giá không có hệ thống nào có thể thay thế S-400 về phòng vệ tầm xa trên không, từ giá thành cho đến khả năng.
Lãnh đạo Không quân Ấn Độ, Thống chế Vivek Ram Chaudhari tuyên bố hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được chuyển giao vào cuối năm nay.
Ông Rajeswari Pillai Rajagopalan tại ORF phân tích: “Lập trường mềm mỏng của Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington chấp nhận rằng thỏa thuận đang được thông qua và Ấn Độ sẽ không từ bỏ nó, bất chấp áp lực”.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga. Ảnh: AP
Một số nhà phân tích khác cho rằng thay đổi trong phương pháp tiếp cận của Mỹ bắt nguồn từ thời điểm. Ông Sameer Patil tại viện nghiên cứu Gateway House (Ấn Độ) nhận xét: “Mỹ sẽ phải suy nghĩ gấp đôi trước khi trừng phạt đối tác như Ấn Độ ở thời điểm có nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của Washington với tư cách một đồng minh”. Ông Patil đã đề cập đến rạn nứt giữa Mỹ và Pháp sau khi liên minh 3 bên “AUKUS” gồm Australia, Anh và Mỹ thành lập cũng như việc các đồng minh chỉ trích Mỹ rút khỏi Afghanistan.
Các chuyên gia đánh giá chuyến thăm của Thứ trưởng Sherman cho thấy Washington không muốn làm đảo lộn mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ. Ngày 6/10, bà Sherman cho biết mối quan tâm an ninh của Ấn Độ là “hàng đầu và quan trọng nhất” đồng thời là “tiền đề và trung tâm” đối với Washington. Tuyên bố này được nhiều người coi là nhằm trấn an Ấn Độ rằng Mỹ chia sẻ những lo lắng về khủng bố xuất phát từ Afghanistan. Bà Sherman cũng nói rằng Mỹ và Ấn Độ có chung “suy nghĩ, cách tiếp cận” về vấn đề này.
Bên cạnh đó, các chuyên gia phân tích rằng việc trừng phạt Ấn Độ vì S-400 của Nga sẽ gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến mối quan hệ gần gũi hai quốc gia đạt được trong thời gian qua. Đây sẽ là tin không tốt cho cả 2 quốc gia và đặc biệt là Mỹ khi muốn tăng cường hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương và đối trọng với Trung Quốc.
Một số nhà quan sát cho rằng thay vì trừng phạt Ấn Độ, Mỹ có thể áp dụng biện pháp tốt hơn để giảm phụ thuộc của New Delhi vào vũ khí Moskva. Ông Vikram Mahajan tại Diễn đàn Đối tác chiến lược Mỹ-Ấn Độ đề xuất: “Mỹ nên đầu tư vào Ấn Độ để xây dựng hệ sinh thái sản xuất quốc phòng nơi các nhà sản xuất Mỹ có thể đến Ấn Độ và xây dựng hệ thống phòng thủ phức tạp. Kế hoạch này có thể giúp Ấn Độ tự lực và tránh phụ thuộc vào vũ khí Nga”.