Hôm 30/7, chia sẻ với Sky News, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Maris Payne cho hay, Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm căn cứ quân sự ở quốc gia này. Tuy nhiên, bà Payne không hé lộ thêm chi tiết về kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Australia.
Theo ông Wang Guanglin tại Viện Ngoại ngữ Thượng Hải, sáng kiến xây thêm căn cứ quân sự của Mỹ ở Australia có mục đích chính là đối phó trực tiếp với Trung Quốc.
Còn cách đây gần một tháng, ABC từng đưa tin về một công trình được cho là cảng nước sâu sẽ được xây dựng ở Glyde Point, khu vực phía bắc Australia. Công trình này khi hoàn thành có khả năng tiếp nhận các tàu đổ bộ cỡ lớn của quân đội Mỹ.
Theo Sputnik, nếu như công trình cảng nước sâu được ABC đưa tin và tuyên bố của Ngoại trưởng Payne cùng là một dự án, điều này cho thấy Mỹ muốn có thêm một cơ sở hạ tầng quân sự chỉ nằm cách cảng Darwin, vốn là nơi hoạt động của một căn cứ hải quân Mỹ , chỉ khoảng 40 km.
Trong đó, căn cứ Darwin hiện được dùng làm nơi neo đậu của các chiến hạm Mỹ và phục vụ hoạt động luân chuyển của khoảng 2.500 lính thủy quân lục chiến.
Giới truyền thông Australia cho rằng, dự án xây dựng căn cứ quân sự mới của Mỹ ở Australia sẽ được triển khai ở một nơi ẩn khuất hơn và bớt đông đúc hơn nhằm phục vụ hoạt động của các chiến hạm và lính thủy quân lục chiến từ những nước là đồng minh của Mỹ.
Chuyên gia RISS Vladimir Yevseyev đánh giá việc xây dựng căn cứ quân sự mới ở Glyde Point sẽ tạo thuận lợi cho Mỹ bởi đây là khu vực nằm rất gần với “các điểm nóng” trong khu vực so với khoảng cách từ lãnh thổ Mỹ.
Ngoài ra, sự hiện diện của một căn cứ quân sự mới ở Australia sẽ giúp tăng cường an ninh cho các lực lượng Mỹ cũng như giảm bớt mức độ tổn thất từ các vụ tấn công của đối thủ tiềm tàng.
Cũng theo ông Yevseyev, nhằm hỗ trợ thêm cho lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ nên căn cứ mới có thể được dùng để làm nơi giúp binh sĩ Mỹ làm quen với điều kiện môi trường khí hậu trong khu vực, đồng thời tiến hành thêm các đợt huấn luyện trước khi được triển khai tới khu vực Đông Nam Á.
“Xây dựng một căn cứ ở Australia và nằm gần cảng Darwin sẽ giúp quân đội Mỹ có cơ hội điều động lực lượng tới khu vực Đông Nam Á nhanh chóng hơn trong trường hợp khẩn cấp.
Căn cứ mới có thể không được dùng để bảo vệ Australia mà là nơi để triển khai quân tới các vùng lân cận. Do đó, Australia có thể sẽ bị cuốn vào cuộc xung đột với Trung Quốc”, ông Yevseyev nhận định.
Điều đáng nói, công ty Lanqiao của Trung Quốc đang là đơn vị đứng ra thuê cảng Darwin với thời hạn 99 năm. Do đó, đây có thể là một trong những lý do khiến Mỹ quyết định mở thêm một căn cứ quân sự trong khu vực.
Ông Wang thì cho rằng, việc Mỹ - Australia mở rộng quan hệ hợp tác liên quân là nhằm trực tiếp đối phó với Trung Quốc .
Cụ thể, theo ông Wang, việc tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự của Mỹ ở Australia sẽ giúp mở rộng thêm các mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ - Australia.
Từ đó, Australia chứng minh được mức độ tín nhiệm của mình với Mỹ, trong bối cảnh Mỹ xem Australia đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các lợi của Mỹ trên toàn cầu mà đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông Wang cũng nhấn mạnh thêm, hành động của Mỹ - Australia chính là nhằm vào Trung Quốc. Bởi Trung Quốc không ngừng trỗi dậy và mở rộng tầm ảnh hưởng đặc biệt sau khi Bắc Kinh đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và xây dựng một đường băng quân sự ở Biển Đông , Mỹ càng có cơ sở tin rằng Trung Quốc chính là mối đe dọa nghiêm trọng tới các lợi ích truyền thống trong khu vực.
“Do đó, hoàn toàn có thể hiểu được việc tăng cường liên minh Mỹ - Australia là nhằm đối phó với Trung Quốc”, ông Wang kết luận.
Tình hình Biển Đông cũng đã trở thành một trong những nội dung chính được đưa ra thảo luận trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok hôm 31/7.
Ngay cả cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 1/8 cũng được cho là nhằm thảo luận về hoạt động đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
Theo Mỹ, việc tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực mà chủ yếu là tăng số lượng chiến hạm hoạt động ở các vùng đang xảy ra tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là hành động cần thiết để cân bằng với hoạt động của hải quân Trung Quốc .
Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng việc nước này tăng cường các tàu hải quân ra Biển Đông là nhằm bảo vệ những tuyên bố chủ quyền quốc gia trong khu vực.
Nhưng không ít chuyên gia cho rằng việc Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách trị giá 211,5 triệu USD để xây dựng thêm cơ sở hạ tầng quân sự ở Australia lại là động thái làm khích động thêm một cuộc đối đầu quân sự mới trong khu vực.
Nói cách khác, Mỹ đang dùng Australia để theo đuổi chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương cũng như kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở cả phương diện chính trị lẫn quân sự.