Mỹ, Ấn Độ, Australia, và Nhật Bản tập trận hải quân ở Ấn Độ Dương vào ngày 12/10/2021. Ảnh: Hải quân Ấn Độ.
Những cuộc tập trận dày đặc và sôi động
Chiến lược “răn đe tích hợp” của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden ứng phó với Trung Quốc đã có thêm các động lực mới trong các tuần gần đây, khi Mỹ mở rộng hợp tác quân sự và tập trận hải quân với các đồng minh chính trong khu vực và các đối tác chiến lược.
Riêng tháng 10/2021 có 2 cuộc tập trận lớn giữa Mỹ và các nước đồng quan điểm với Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đầu tiên là cuộc tập trận hải quân liên hợp giữa 2 nhóm tấn công của hàng không mẫu hạm Mỹ và Nhóm tấn công của tàu sân bay Anh (CSG21), cùng với một chiến hạm boong lớn của Nhật Bản, ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Okinawa của Nhật Bản.
Một tuần sau đó, Mỹ khởi động giai đoạn 2 của cuộc tập trận quy mô lớn Malabar 2021 với các nước còn lại thuộc khối Đối thoại An ninh Bộ Tứ (Quad) gồm Australia, Ấn Độ, và Nhật Bản tại vịnh Bengal.
Chỉ thời gian ngắn sau đó, Philippines – một đồng minh theo hiệp ước của Mỹ, công bố khôi phục cuộc tập trận chung Balikatan quy mô đầy đủ, dự kiến có sự tham gia đầy đủ của hàng ngàn binh sĩ thuộc hai bên giữa lúc căng thẳng biển đảo gia tăng trong khu vực.
Quyết định này (vào ngay hôm trước ngày kỷ niệm 70 năm Hiệp ước Tương trợ quốc phòng Mỹ-Philippines) cho thấy hợp tác an ninh hàng hải ngày càng sâu đậm trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng xác lập sự hiện diện hải quân ở các vùng biển cận kề.
Răn đe tích hợp gồm những yếu tố nào và có tác dụng ra sao?
Khái niệm “răn đe tích hợp” đã phát triển thành định hướng chiến lược chủ đạo của Mỹ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng nước này Lloyd Austin có bài phát biểu nóng ở Singapore trong tháng 7/2021.
Ông Austin đã đề cập khái niệm này từ trước đó, trong chuyến thăm Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii vào tháng 4/2021.
Bộ trưởng Austin nói:
“Trong suốt lịch sử Mỹ, răn đe có nghĩa là gắn một sự thật cơ bản vào đầu óc kẻ thù tiềm năng. Sự thật đó là cái giá và rủi ro của sự gây hấn bị lệch so với lợi ích thu được”. Ông này nhấn mạnh đến bản chất thay đổi của chiến tranh và các thách thức chiến lược trong thế kỷ 21.
Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ nói tiếp: “Chúng tôi sẽ sử dụng năng lực đang có, và xây dựng các năng lực mới, và sử dụng tất cả các năng lực đó trong sự kết nối với nhau thành mạng lưới, tay trong tay với các đồng minh và đối tác của chúng tôi”.
Ông nhấn mạnh, “sự răn đe sẽ vẫn dựa trên cùng một loại logic nhưng mở rộng ra nhiều địa hạt, mà chúng tôi phải làm chủ toàn bộ để bảo đảm an ninh của chúng tôi trong thế kỷ 21”.
Trong các tháng gần đây, các quan chức Lầu Năm Góc hàng đầu đã làm rõ hơn nữa về học thuyết quốc phòng mới của Mỹ trước việc Trung Quốc mở rộng nhanh chóng năng lực quân sự.
Melissa Dalton – quyền trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chiến lược, kế hoạch, và năng lực, giải thích: “Răn đe tích hợp” dựa trên giả định Mỹ không còn chỉ “dựa vào sức mạnh quân sự để ngăn ngừa đối phương tấn công”.
“Đối phương đang thúc đẩy lợi thế trong nhiều lĩnh vực và Bộ của chúng ta đòi hỏi một cách tiếp cận mới, đòi hỏi sự tích hợp sâu sắc hơn với các đồng minh, đối tác, và các công cụ sức mạnh quốc gia khác”.
Bà Dalton đưa ra giải thích này trong một cuộc nói chuyện hồi tháng 9 tại một sự kiện của Hiệp hội Không quân.
Trong khi đó, quyền Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Gregory M Kausner, nhấn mạnh rằng “răn đe tích hợp” dựa vào sự kết hợp đúng đắn công nghệ, các khái niệm chiến dịch, và năng lực – tất cả những thứ này quyện chặt vào nhau và được kết nối theo một cách đáng tin cậy, linh hoạt, và đáng sợ khiến đối phương phải chùn bước.
Kausner nhấn mạnh việc phóng chiếu sức mạnh một cách chủ động và trong thế liên hoàn với các đồng minh trên nhiều mặt trận.
Thế trận “răn đe tích hợp” của Mỹ đang lớn mạnh với sự tham gia tích cực của đồng minh
Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân AUKUS (Australia, Anh, và Mỹ) gây tranh cãi mới đây là một ví dụ tiêu biểu lộ rõ ra ngoài của các điều chỉnh trong chính sách quốc phòng của Mỹ.
Hồi đầu tháng 10, hải quân Mỹ cùng với hải quân Anh, lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản, hải quân Canada, hải quân New Zealand, và hải quân Hà Lan đều tham gia tập trận đa quốc gia quy mô lớn ở ngoài khơi Nhật Bản.
Chuẩn đô đốc Nhật Bản Konno Yasushige nhấn mạnh rằng cuộc tập trận này “hiện thân cho ý chí mạnh mẽ của các nước tham gia trong việc thực hiện một châu Á-Thái Bình Dương tự do và mở”.
Ông nói, “lực lượng phòng vệ biển của Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với hải quân đồng minh và bạn bè để phản ứng lại các thách thức toàn cầu, bảo vệ trật tự biển dựa trên chế độ pháp quyền”.
Các cuộc tập trận Quad vào tháng 10/2021 có nội dung huấn luyện tác chiến chống tàu ngầm, thực hành bắn pháo trên bề mặt biển, hoạt động hạ cánh trực thăng trên boong tàu của nhau, và một loạt các bài tập khác nhằm tích hợp các hoạt động hàng hải giữa 4 cường quốc hải quân trên Ấn Độ Dương.
Đô đốc hải quân Mỹ Michael Gilday nhấn mạnh rằng “các lực lượng hải quân của chúng ta tiếp tục tập trận bên nhau; không nghi ngờ gì nữa, mối quan hệ đối tác giữa chúng ta sẽ tiếp tục phát triển”.
Ông Gilday tổng kết: “Hợp tác, khi áp dụng với sức mạnh hải quân, thúc đẩy tự do và hòa bình, và ngăn ngừa cưỡng ép, hăm dọa, và gây hấn”.
Ngoài Nhật Bản, Ấn Độ và Australia ra, Philippines cũng là một đối tác quan trọng của Mỹ trong chiến lược “răn đe tích hợp”. Tính đến năm 2019, hai đồng minh này đã thực hiện tới 280 hoạt động tập trận song phương.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines mới đây công bố rằng Mỹ và Philippines đã lên kế hoạch cho 300 hoạt động quốc phòng chung trong năm 2022.