Mỹ - Trung leo thang căng thẳng vì Hồng Kông

Lục San |

Dự luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông (HKHRDA) là dự luật hà khắc nhất từng được Hạ viện Mỹ thông qua nhằm chống lại Trung Quốc trong hơn 40 năm trở lại đây.

Trung Quốc hôm 16-10 chỉ trích Hạ viện Mỹ vì thông qua HKHRDA, đồng thời cảnh báo sẽ thực hiện "các biện pháp đáp trả thỏa đáng". Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ về các vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia.

"Nếu trở thành luật, dự luật này không những làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc mà còn hủy hoại các mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc và làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ" - ông Cảnh tuyên bố, đồng thời khẳng định dự luật trên là "ý đồ xấu xa của các nhà lập pháp Mỹ nhằm hủy hoại sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, cũng như để kiềm chế tốc độ phát triển của Trung Quốc".

Trước đó 1 ngày (giờ Washington), HKHRDA được Hạ viện Mỹ thông qua và nếu tiếp tục được Thượng viện Mỹ lẫn Tổng thống Donald Trump chấp thuận, HKHRDA có thể làm thay đổi bản chất quan hệ Mỹ - Hồng Kông và khiến quan hệ Washington - Bắc Kinh leo thang căng thẳng.

Theo Reuters, dự luật yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá ít nhất 1 năm/lần để xác định liệu Hồng Kông có đủ tự chủ để tiếp tục được hưởng những ưu đãi của Mỹ về vận tải, thương mại, kinh tế và những lĩnh vực khác hay không.

Trong trường hợp Hồng Kông bị đánh giá là không đủ tự chủ và bị Mỹ tước ưu đãi thương mại, chẳng hạn như miễn thuế quan thương chiến Mỹ - Trung đối với hàng hóa xuất khẩu từ Hồng Kông, nhiều công ty chắc chắn sẽ rút hoạt động ra khỏi đặc khu này.

Ngoài ra, dự luật còn mở đường cho việc trừng phạt những cá nhân bị xác định là làm tổn hại đến mức độ tự chủ của đặc khu.

Dù vậy, các nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo dự luật có thể làm gia tăng bất ổn ở Hồng Kông - nơi chứng kiến các cuộc biểu tình bạo lực gia tăng trong những tuần gần đây.

Ông Zhang Jian, từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, khẳng định Hạ viện Mỹ đã gửi "một thông điệp rất tồi tệ" đến những phần tử biểu tình cực đoan. "Trong số những quốc gia nước ngoài, Mỹ được hưởng nhiều lợi ích ở Hồng Kông nhất. Nếu Mỹ tước ưu đãi dành cho Hồng Kông, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều chịu tổn thất" - ông Zhang giải thích.

Theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Hồng Kông đạt khoảng 67,3 tỉ USD trong năm 2018 và thặng dư thương mại của Mỹ so với đặc khu là 33,8 tỉ USD - con số ấn tượng nhất của Mỹ so với bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Phòng Thương mại Mỹ tại Hồng Kông khẳng định bất cứ hành động nào nhằm thay đổi tình trạng của Hồng Kông "cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động thương mại và đầu tư của Mỹ ở Hồng Kông".

Trong khi đó, ông Shi Yinhong, Trường ĐH Nhân dân Trung Quốc, khẳng định dự luật sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, bởi Bắc Kinh "chắc chắn sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa tương xứng". Theo ông Zhu Feng, Trường ĐH Nam Kinh (Trung Quốc), HKHRDA là dự luật "hà khắc nhất" từng được Hạ viện Mỹ thông qua nhằm chống lại Trung Quốc trong hơn 40 năm trở lại đây.

Bên cạnh HKHRDA, Hạ viện Mỹ hôm 15-10 cũng thông qua dự luật Bảo vệ Hồng Kông yêu cầu cấm bán khí cay và các thiết bị kiểm soát đám đông sang đặc khu - động thái mà họ khẳng định là để bảo vệ những người biểu tình ôn hòa.

Đàm phán về thương chiến gặp khó

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố Trung Quốc chắc chắn sẽ áp dụng những biện pháp đối phó mạnh mẽ trước quyết định của phía Mỹ để bảo vệ vững chắc chủ quyền, các lợi ích an ninh và phát triển của mình. Ông này tái khẳng định: "Hồng Kông thuộc về Trung Quốc và các vấn đề của họ hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép sự can thiệp của nước ngoài".

Theo các báo cáo, Trung Quốc có kế hoạch trả đũa khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật về Hồng Kông, điều này có khả năng dẫn đến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ vì điều đó gây ra tình trạng bất ổn. Hành động trả đũa của Trung Quốc sẽ gây ra rủi ro địa chính trị mới cho thị trường chứng khoán Mỹ, có khả năng khiến cho giai đoạn thứ hai của thỏa thuận thương mại giữa 2 nước lâm vào thế khó.

Người phát ngôn của chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông cũng đã nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc khi nói rằng các cơ quan lập pháp nước ngoài không nên can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hồng Kông.

Trong khi đó, các nhà lập pháp dân chủ ở Hồng Kông hôm 17-10 đã kêu gọi nhà lãnh đạo Carrie Lam từ chức trong một phiên họp liên tục bị ngưng trệ vì một số chính trị gia bị đuổi ra khỏi phòng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại