Sự xuất hiện của chiến hào khổng lồ dọc Libya mà Mỹ cho là sản phẩm của các tay lính đánh thuê Nga đang làm gia tăng lo ngại về khả năng các chiến binh nước ngoài không rút khỏi Libya theo đúng thỏa thuận hòa bình mà Liên Hợp Quốc làm trung gian. Theo thỏa thuận này, tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời khỏi Libya tính đến 23/1.
Cuộc xung đột âm ỉ đã chia cắt Libya suốt hàng tháng trời, với một bên là Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở thủ đô Tripoli - được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và một bên là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ở miền Đông - do Tướng Khalifar Haftar lãnh đạo và có sự ủng hộ của Nga, UAE.
Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột gần đây đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và tàn phá đất nước Địa Trung Hải với trữ lượng dầu mỏ dồi dào.
CNN dẫn lời quan chức tình báo Mỹ cho rằng, chiến hào là dấu hiệu cho thấy nhóm lính đánh thuê Wagner (được cho là tổ chức lính đánh thuê Nga) đang "sắp xếp để bám trụ trong một thời gian dài".
Kéo dài hàng chục km về phía nam từ các vùng duyên hải đông dân quanh Sirte cho tới al-Jufra, nơi được cho là thành trì thuộc quyền kiểm soát của Wagner, chiến hào hiện hữu rất rõ trên ảnh chụp vệ tinh và đang được gia cố bằng hàng loạt công sự.
Chiến hào và các công sự có vẻ được thiết kế để gây khó khăn hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào khu vực do LNA kiểm soát ở miền Đông.
GNA đã đăng tải hình ảnh cho thấy máy xúc, xe tải đang đào hào và khẳng định công tác xây dựng diễn ra mới đây.
Quan chức tình báo Mỹ cho rằng, chiến hào là một lý do nữa khiến "chúng tôi thấy cả lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Nga đều không có ý định hay động thái tuân thủ thỏa thuận do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Đây sẽ là một năm thật sự khó khăn".
Tuy nhiên, phát ngôn viên của LNA, Tướng Khaled al-Mahjoub khẳng định đây chỉ là những hàng rào cát và hào "tạm thời", trong một "khu vực mở cho phòng thủ và chiến đấu" dù ông thừa nhận sự tồn tại của chúng
Al-Mahjoub này cũng phủ nhận sự hiện diện của 2.000 lính đánh thuê Wagner và nói rằng đây là các cố vấn "đã nhắc tới cách đây rất lâu".
Về phần mình, Moscow trước này vẫn phủ nhận sử dụng lực lượng lính đánh thuê. Thậm chí, năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin còn tuyên bố: Không có người Nga ở Libya, và nếu có thì họ cũng không đại diện cho nước Nga.