Theo nhật báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh đầu tư SelectUSA 2017 ở Washington ngày 19-6, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tiết lộ Mỹ đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với nhiều nước châu Á để tìm kiếm một giải pháp thay thế cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
“Mỹ đã thể hiện thiện ý tham gia các cuộc đàm phán song phương với Nhật Bản về một thỏa thuận thương mại. Chúng tôi cũng đã có các cuộc thảo luận sơ bộ với một số nước khác” - ông Ross cho biết.
Tuy nhiên, ông Ross từ chối trả lời liệu các quốc gia mà Mỹ đang tái đàm phán là các quốc gia nào. “Chúng tôi muốn thông báo mọi thứ khi đã đạt được thỏa thuận với các nước khác. Hiện Nhật Bản đã chấp nhận lời đề nghị của chúng tôi” - ông Ross trả lời báo giới.
Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi TPP vào ngày đầu nhậm chức (20-1-2017). Trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước đó, ông Trump nói rằng TPP sẽ là “thảm họa tiềm tàng” và ông cam kết sẽ lấy lại việc làm cho người dân Mỹ.
Cũng tại hội nghị SelectUSA được Bộ Thương mại Mỹ tổ chức, Giám đốc điều hành Hiệp hội quốc gia các thống đốc bang của Mỹ Scott Pattison khẳng định quyết định rút khỏi TPP của ông Trump đã đi ngược lại ý nguyện của hầu hết lãnh đạo các bang. “Hầu hết các thống đốc, thuộc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, đều rất ủng hộ TPP” - ông Pattison nói.
Theo SCMP, dù Mỹ đã rút khỏi TPP, 11 quốc gia ký kết TPP còn lại đã nhất trí tiếp tục các cuộc đàm phán nhằm làm cho hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP sẽ làm làm giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của khối thương mại.
David Dodwell, Giám đốc điều hành Công ty Apec Trade Policy Group (Hong Kong), cho biết nếu có cả Mỹ, 12 quốc gia ký TPP sẽ chiếm tổng cộng 38% GDP và 26% thương mại của thế giới. Nếu không có Mỹ, các tỉ lệ tương ứng giảm lần lượt còn 13% và 15%.
12 nước tham gia đàm phán TPP trước đây gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.