Mỹ tiếp "hỏa lực" mạnh cho Ukraine, Nga sục sôi tức giận

Kiệt Linh |

Javelin là một trong những vũ khí vác vai thiện chiến nhất và hiệu quả nhất của quân đội Mỹ. Loại vũ khí này được sử dụng cả trong lực lượng Lục quân lẫn Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Mỹ đã bán tên lửa Javelins cho nhiều nước NATO, trong đó có Pháp và Anh, các đồng minh ở Trung Đông như Ả-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất, cũng như cho các nước Châu Á-Thái Bình Dương gồm Australia, Indonesia và Đài Loan.

Do năng lực của Javelin, việc Mỹ bán loại vũ khí này cho bất kỳ nước nào đều có liên quan không chỉ đến ý nghĩa về mặt sức mạnh quân sự mà còn cả yếu tố về mặt chính trị. Ví dụ như Mỹ đã cung cấp 120 tên lửa Javelin cho Estonia và 260 tên lửa Javelin cho Lithuania như một cách để đối đầu, răn đe Nga.

Với Ukraine, sau thời gian dài chần chừ không cung cấp tên lửa Javelin cho Kiev, Mỹ cuối cùng đã quyết định cung cấp loại vũ khí này cho đồng minh.

Javelin là một loại tên lửa chống tăng vác vai tối tân của Mỹ. Nó là loại tên lửa dẫn đường, tự dẫn đến mục tiêu. Tên lửa này thường dùng để tấn công phần bên trên các xe tăng, xe thiết giáp nhưng tên lửa này cũng có khả năng tấn công trực tiếp bằng cách bắn thẳng vào các tòa nhà hay các mục tiêu khác.

Với đầu dò hồng ngoại, tầm bắn của tên lửa Javelin là từ 50-2.500m và tốc độ bay của tên lửa khoảng 290m. Đầu đạn của tên lửa sử dụng loại nổ lõm. Tên lửa có chiều dài 1,1 mét, chiếu dài ống phóng là 1,2 mét với đường kính 127 mm.

Tên lửa có trọng lượng 11,8 kg. Tên lửa được phóng từ ống phóng vác vai, nhưng động cơ tên lửa hoạt động khi ra khỏi ống phóng ở một khoảng cách nhất định để đảm bảo an toàn cho người bắn. Tổ bắn tên lửa loại này thường có hai người, trong đó một người bắn chính và một người phụ giúp.

Tên lửa Javelin đã được sử dụng trong cuộc tấn công Iraq năm 2003, có hiệu quả cao trong việc phá hủy các xe tăng T-72 và Type 69 của Iraq.

Hồi cuối tháng Tư năm ngoái, Ukraine đã đón nhận những hệ thống tên lửa tối tân Javelin đầu tiên từ Mỹ. Thông tin này đã khiến Nga thực sự tức giận và nó cũng gây lo ngại cho nhiều quốc gia Châu Âu khác.

Mỹ vốn là một trong những đồng minh ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Kiev kể từ khi xảy ra vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và sau đó là cuộc nội chiến bùng phát ở miền đông Ukraine (vùng Donbass) khiến hơn 10.000 người thiệt mạng.

Tuy nhiên, quyết định của Mỹ trong việc cung cấp các vũ khí chết người cho Ukraine vẫn là điều nhạy cảm và Nga liên tục cảnh báo hành động của Mỹ sẽ gây bất ổn hơn nữa cho tình hình Ukraine thông qua việc kích động Kiev sử dụng vũ lực.

Không chỉ Nga phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine mà ngay cả cựu Tổng thống Barack Obama khi còn cầm quyền cũng không đồng ý với việc này. Các đồng minh khác của Mỹ là Pháp và Đức cũng phản đối việc cung cấp những tên lửa Javelin cho Kiev vì lo ngại bước đi này có thể thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ở Ukraine.

Tuy nhiên, các cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ cuối cùng cũng đã thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào thỏa thuận cung cấp vũ khí cho Ukraine. Mặc dù vậy, Nhà lãnh đạo Mỹ không cho phép họ công khai nói về thỏa thuận này vì sợ làm cho người đồng cấp Vladimir Putin tức giận.

Nga tin rằng, Ukraine sẽ dùng thứ vũ khí chết người mà Mỹ cung cấp cho để làm leo thang căng thẳng ở miền đông Ukraine – nơi từng chứng kiến cuộc nội chiến ác liệt và đẫm máu giữa quân đội của Kiev và lực lượng ly khai. Đến nay, dù tình trạng bạo lực đã giảm đáng kể nhưng các vụ đụng độ ở miền đông Ukraine vẫn lác đác xảy ra.

Hơn 10.000 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bùng phát hồi tháng 4 năm 2014. Cuộc xung đột này là chiến trường “huynh đệ tương tàn” giữa các lực lượng trung thành với Kiev và phe ly khai ở miền đông Ukraine.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn chứng kiến cuộc đối đầu Đông - Tây nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại