Tờ Daily Mail (Anh) hôm 29-8 đưa tin quả bom B61-12 (mô phỏng) được một chiếc máy bay chiến đấu F-15E vận chuyển từ căn cứ không quân Nellis tới địa điểm thử nghiệm Tonopah ở sa mạc bang Nevada – Mỹ vào ngày 8-8. Quả bom này không tích hợp đầu đạn hạt nhân.
Theo Cục Quản lý An ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA), đây là vụ thử nghiệm thứ hai liên quan đến phiên bản nâng cấp của một quả bom hạt nhân nằm trong kho vũ khí của quân đội Mỹ. Vụ thử nghiệm đầu tiên diễn ra hồi tháng 3 năm nay.
Trong một tuyên bố, NNSA nói rằng các vụ thử nghiệm nhằm "kiểm tra chức năng phi hạt nhân" của B61-12 và khả năng vận chuyển vũ khí của F-15E. Quyền Phó Giám đốc chương trình quốc phòng của NNSA Phil Calbos, cho biết: "Dự án mở rộng B61-12 đang phát triển đúng tiến độ để đáp ứng các yêu cầu về an ninh quốc gia".
Dự án chế tạo B61-12 được tiến hành suốt nhiều năm qua. Bom được mô tả là loại vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất từng được sản xuất, một phần do nó có thể chứa lượng thuốc nổ từ 300-50.000 tấn TNT cùng độ chính xác vượt trội so với các loại bom khác.
B61-12 sẽ thay thế phiên bản cũ B61 – loại bom trọng lực được xem là một trong những trụ cột chính của kho vũ khí hạt nhân của không quân Mỹ. Cùng với tàu ngầm lớp Ohio và máy bay ném bom chiến thuật B-52, bom B61 là một phần của "bộ ba vũ khí không – đất – biển" của quân đội Mỹ. B61-12 dự kiến được sản xuất vào tháng 3-2020.
Không giống như "Mẹ của các loại bom" (MOAB) được Mỹ sử dụng để tấn công thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan hồi đầu năm nay, B61-12 tiếp cận mục tiêu bằng cách xuyên thấu. Trong khi đó, MOAB tạo ra một vụ nổ lớn trên bề mặt cũng như đòi hỏi được vận chuyển bằng một chiếc máy bay lớn hơn kích thước của nó.
Hồi tháng 3, một chiếc F-16 cũng vận chuyển và thả bom B61-12 trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Phòng thủ tên lửa (MDA) và hải quân Mỹ vừa tiến hành một cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa thành công ở ngoài khơi bang Hawaii, MDA cho biết hôm 30-8.
Tên lửa được sử dụng là loại Missile-6 tiêu chuẩn (có dẫn đường), rời bệ phóng để đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo MDA, cuộc thử nghiệm này nhằm nâng cao khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối.
Vụ thử nghiệm diễn ra sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản sáng 29-8 (giờ địa phương) và bị Liên Hiệp Quốc lên án là hành động khiêu khích.