Ngày 20/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói viện trợ 95,36 tỷ USD, trong đó 60,84 tỷ USD dành cho Ukraine, 26,38 tỷ USD cho Israel, 8,12 tỷ USD để “đối đầu" với Trung Quốc, bao gồm khoảng 2 tỷ USD để hỗ trợ Đài Loan (Trung Quốc). Dự luật này còn bao gồm số tiền hỗ trợ nhân đạo cho người Palestine ở Dải Gaza.
Ngay sau đó, ngày 23/4, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc phân bổ gói viện trợ này với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống. Như vậy, cả hai viện của Quốc hội Mỹ đều đã thông qua dự luật. Ngày 24/4 Tổng thống Joseph Biden đã ký sắc lệnh để thực hiện các gói viện trợ này.
Dịp này, Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua dự luật cho phép bán tài sản của Nga bị đóng băng để hỗ trợ Ukraine, buộc công ty ByteDance của Trung Quốc phải bán nền tảng TikTok hoặc bị cấm ở Mỹ và tăng các biện pháp trừng phạt Nga, Trung Quốc và Iran.
Vì sao gói viện trợ cho Ukraine được thông qua sau một thời gian trì hoãn?
Dự luật gói viện trợ cho Ukraine đã không được thông qua vào tháng 2/2024 do đảng Cộng hòa phản đối. Trong cuộc bỏ phiếu lần này, 9 đại biểu của đảng Cộng hòa vốn chống việc thông qua dự luật hai tháng trước, đã bỏ phiếu thuận.
Thượng nghị sĩ Markwayne Mullin của bang Oklahoma và lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã đồng ý thông qua dự luật. Ông Mullin giải thích sự thay đổi quan điểm của mình là do 3/4 viện trợ dành cho Ukraine được cam kết sẽ vẫn ở lại Mỹ và sẽ được rót vào khu liên hợp công nghiệp - quân sự của Mỹ.
Theo dự luật, trong số 60,84 tỷ USD dành cho Ukraine, 23,2 tỷ USD sẽ dùng để bổ sung kho dự trữ quân sự của Mỹ cung cấp cho Ukraine, 11,3 tỷ USD được dùng cho các hoạt động đang diễn ra của quân đội Mỹ trong khu vực, bao gồm cả việc huấn luyện binh sỹ Ukraine, khoảng 14 tỷ USD được dùng để mua trực tiếp vũ khí và thiết bị quân sự từ các nhà máy quốc phòng của Mỹ. Ukraine cũng sẽ được phân bổ 7,85 tỷ USD hỗ trợ tài chính vĩ mô dưới hình thức cho vay để hỗ trợ nền kinh tế. Như vậy, ít nhất 2/3 gói viện trợ cho Ukraine sẽ vẫn ở lại các bang Arizona, Alabama, Texas và một số bang khác.
Trước khi bỏ phiếu, Tổng thống Biden nói: “Nếu Quốc hội chấp thuận viện trợ quân sự cho Ukraine và Israel, chúng tôi sẽ không viết séc trắng. Chúng tôi sẽ lấy các thiết bị quân sự từ kho vũ khí của mình chuyển cho Ukraine và sau đó sử dụng số tiền được Quốc hội thông qua để mua vũ khí từ các nhà sản xuất Mỹ hoàn lại số vũ khí này. Các vũ khí này bao gồm tên lửa Patriot được sản xuất tại bang Arizona, tên lửa Javelin được sản xuất tại Alabama và đạn pháo được sản xuất tại Pennsylvania, Ohio và Texas.”
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng giải thích rằng gần như tất cả số tiền viện trợ cho Ukraine sẽ được chi tiêu ở Mỹ, điều này sẽ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp - quốc phòng và tạo ra việc làm cho người Mỹ.
Luật cũng quy định cung cấp viện trợ cho Ukraine trên cơ sở tín dụng, như yêu cầu của ông Donald Trump, chứ không phải trên cơ sở không hoàn lại. Đặc biệt là yêu cầu hoàn lại 10 tỷ USD hỗ trợ kinh tế cho Ukraine.
Gói viện trợ mới cho Ukraine không làm thay đổi tình hình chiến trường
Nhiều nhà phân tích chính trị và quân sự cho rằng, gói viện trợ mới cho Kiev sẽ ít ảnh hưởng đến diễn biến cuộc chiến ở Ukraine. Trong hơn hai năm qua, Mỹ và các nước châu Âu đã cung cấp cho Ukraine hầu như toàn bộ kho dự trữ vũ khí của mình, nhưng quân đội Ukraine vẫn không ngăn chặn được các cuộc tấn công của Nga. Cuộc phản công của quân Ukraine vào mùa hè năm ngoái đã thất bại.
John Kirby - điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ - thừa nhận tình hình trên chiến trường không có lợi cho Kiev. Bản thân Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba, trong cuộc phỏng vấn với báo The Guardian của Anh, đã thừa nhận “hỗ trợ quân sự của Washington cho Kiev sẽ không ngăn cản được bước tiến của quân đội Nga. Không có gói viện trợ nào có thể ngăn chặn được người Nga”.
Larry Johnson - cựu nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Mỹ (CIA) - nói, gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ không làm thay đổi tình hình trên chiến trường. Hầu hết số tiền được phân bổ sẽ được chuyển đến tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ để mua vũ khí làm mới kho vũ khí của Mỹ. Kiev sẽ được phân bổ một phần nhỏ trong số tiền đã công bố để mua thiết bị quân sự từ Mỹ.
Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Daniel Davis cho rằng Mỹ cần ngừng thúc đẩy cuộc xung đột Ukraine, vì việc chuyển vũ khí của mình cho Ukraine đang gây tổn hại đến an ninh của chính nước Mỹ. Với viện trợ bổ sung cho Kiev, Mỹ đang buộc Ukraine phải chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng, hậu quả là chôn vùi nền kinh tế và tước đi tương lai của họ.
Tướng NATO nghỉ hưu Marco Bertolini nói, việc cung cấp vũ khí mới cho Kiev sẽ không giúp lực lượng vũ trang Ukraine thay đổi hoàn toàn tình hình trên chiến trường. Ông viết trên báo IL Fatto Quotidiano của Italia rằng: “Không có loại vũ khí nào có thể mang lại lợi thế quyết định cho quân đội Ukraine. Phương Tây trước đây đã đặt hy vọng vào xe tăng Leopard, Abrams và Challenger, nhưng những phương tiện này chưa bao giờ mang lại kết quả đáng kể. Quân nhân vẫn là nguồn lực chính trong cuộc đối đầu quân sự và số lượng người Ukraine sẵn sàng chiến đấu với lực lượng vũ trang Nga đang giảm dần.”
David Sachs - tỷ phú và doanh nhân người Mỹ - nói: “Sự sụp đổ của Ukraine là điều khó tránh khỏi, bất chấp việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ quân sự cho Kiev. Chính phủ Mỹ có thể in thêm tiền, nhưng không thể in thêm đạn pháo và tên lửa phòng không.”
Nhà khoa học chính trị người Đức Stefan Wolf cho rằng, hỗ trợ quân sự từ Mỹ sẽ không giúp ích gì cho Kiev mà chỉ trì hoãn điều không thể tránh khỏi. Ông nhấn mạnh rằng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga mạnh hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu, đồng thời Lực lượng vũ trang Nga có ưu thế đáng kể về nhân lực.
Năm 2022, Mỹ đã viện trợ tổng cộng hơn 100 tỷ USD cho Ukraine, phương Tây cung cấp ồ ạt vũ khí cho Kiev, nhưng cũng không đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ đánh bại Nga về mặt chiến lược.
Mỹ đã chi cho cuộc chiến tại Iraq 2,4 nghìn tỷ USD, cuộc chiến tại Afghanistan khoảng 2,3 nghìn tỷ USD, nhưng cuối cùng phải chấp nhận thất bại, rút quân khỏi hai nước này, thì gói viện trợ 60,84 tỷ USD cho Kiev có thể gây một số khó khăn cho Nga, nhưng không thể đảo ngược được tình hình trên chiến trường.
Giải pháp duy nhất góp phần chấm dứt nhanh chóng cuộc xung đột Nga - Ukraine là hai bên trở lại bàn đàm phán trên cơ sở các thỏa thuận sơ bộ đã đạt được tại các cuộc thương lượng tại Belarus ngày 28/2/2022 và Istanbul ngày 29/3/2023, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.
Việc Quốc hội thông qua gói viện trợ mới cho Ukraine có thể được coi là một chiến thắng của Tổng thống Biden và đảng Dân chủ. Ông Biden sẽ có tiền trong năm nay để thực hiện đường lối của mình và giành được thêm được một điểm trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Trong khi đó, đảng Cộng hòa của cựu Tổng thống Donald Trump không đạt được bất cứ yêu cầu nào, không cắt giảm ngân sách, không có tiền cho việc củng cố biên giới phía nam để ngăn chặn dòng người tị nạn từ Mexico, cũng như việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu LNG của Mỹ.