Mỹ sẽ tiếp nhận người tị nạn trên đảo ở Thái Bình Dương

TTXVN/Tin tức |

Mỹ vẫn sẽ tiếp nhận người tị nạn đang tạm thời lưu trú trên hai quốc đảo Nauru và Papua New Guinea ở Thái Bình Dương theo thỏa thuận giữa Australia và chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama .

Ngày 30/1,Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã đưa ra thông báo trên sau cuộc điện đàm 25 phút với tân Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/1.

Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Malcolm Turnbull cho biết ông Donald Trump nhất trí tiếp tục thực thi thỏa thuận giữa hai nước về tái định cư cho những người tị nạn trên, bất chấp việc trước đó vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã ký sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người nhập cư từ 7 nước có đa số người Hồi giáo thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi, làm dấy lên làn sóng phản đối từ cả trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng Turnbull từ chối tiết lộ số lượng cụ thể người tị nạn có khả năng được tái định cư tại Mỹ.

Theo thỏa thuận giữa Canberra và Washington, Mỹ sẽ tái định cư một số lượng trong gần 1.600 người tìm kiếm tị nạn đang lưu trú tại hai quốc đảo Nauru và Papua New Guinea nhờ tiền trợ cấp của Australia. Phần lớn những người tìm kiếm tị nạn là người Hồi giáo đến từ khu vực Trung Đông, châu Phi và châu Á.

Trong khi đó, ngày 29/1, Bộ trưởng Nhập cư Canada Ahmed Hussen cho biết Mỹ vẫn cho phép nhập cảnh đối với công dân và người định cư dài hạn ở Canada có quốc tịch gốc từ 7 nước Hồi giáo có tên trong lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump.

Theo Bộ trưởng Hussen, Nhà Trắng đã đưa ra đảm bảo trên trong đó khẳng định các công dân và người định cư dài hạn ở Canada vẫn có thể vào Mỹ nếu có đủ hộ chiếu Canada (đối với công dân) hoặc thẻ cư trú dài hạn ở (đối với thường trú nhân) và hộ chiếu gốc từ một trong 7 quốc gia Hồi giáo có tên trong lệnh cấm. 

Ngoài ra, Bộ trưởng Hussen cũng cho biết Canada sẽ cấp giấy tạm trú cho những người bị mắc kẹt tại sân bay Canada do lệnh cấm của ông Trump.

Sắc lệnh hành chính siết chặt chính sách cấp thị thực nhập cảnh và tiếp nhận người tị nạn vào Mỹ đã được tân Tổng thống Donald Trump ký ngày 27/1, theo đó nâng thời gian xét thị thực đối với tất cả người tị nạn lên 4 tháng và tạm thời ngừng cấp thị thực nhập cảnh Mỹ đối với 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, bao gồm Syria, Iraq, Iran, Somalia, Libya, Sudan và Yemen.

Tân Tổng thống Mỹ cho rằng biện pháp này là nhằm bảo vệ người dân Mỹ trước nguy cơ tấn công khủng bố, tuy nhiên, sắc lệnh trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ trong và ngoài nước.

Indonesia, quốc gia có đông người Hồi giáo nhất trên thế giới, cho rằng việc ông Trump cấm các công dân của 7 quốc gia Hồi giáo nhập cư vào Mỹ có khả năng làm phương hại đến cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền nhiều bang lên tiếng phản đối sắc lệnh trên và hiện đã có ít nhất 5 bang ra phán quyết vô hiệu hóa sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại